Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Đi tìm Hạnh Phúc


" Hạnh phúc đến từ nội tại
  Chớ hoài công tìm kiếm bên ngoài "
- Lời Đức Phật -



ĐI TÌM HẠNH PHÚC

1-  Hạnh phúc là gì?
Là người ai cũng muốn sung sướng hạnh phúc, nhưng hạnh phúc là gì thì khó mà trả lời chính xác vì nó tùy quan niệm và trình độ tiến hóa của mỗi người.
Đối với người nghèo thì tiền của là hạnh phúc. Đang đói mà có cơm ăn là hạnh phúc. Cô đơn mà có người thương là hạnh phúc.
Đối với đa số quần chúng thì hạnh phúc là thỏa mãn những nhu cầu vật chất, thể xác như ăn uống, tình dục, vợ đẹp con ngoan, nhà cửa tài sản.
Sau khi đạt được những nhu cầu vật chất thì hạnh phúc là thỏa mãn nhu cầu
danh vọng, địa vị, quyền hành như giám đốc, tỉnh trưởng, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống, v.v...
Trên phương diện tương đối ta có thể định nghĩa hạnh phúc là khi những nhu cầu thèm khát được thỏa mãn. Nhưng sự thèm khát của con người không bao giờ chấm dứt. Khi chưa có thì thèm muốn có, khi có rồi thì sợ mất, hoặc nếu không thì lại thèm muốn cái khác. Do đó cái hạnh phúc mà người thế gian theo đuổi chỉ là một ảo tưởng, tưởng nắm bắt được nhưng trong thoáng giây nó lại tuột mất và phải chạy đi tìm nữa.

2- Hạnh phúc tương đối
Gọi là tương đối vì loại hạnh phúc này mong manh tạm bợ.
Tiến trình hạnh phúc (tương đối):
- Ban đầu Ý khởi ham muốn, thèm khát một điều gì đó (désir),
- Khi đạt được điều ham muốn thì sung sướng, khoái lạc (plaisir),
- Tiếp theo phải ý thức là mình đã đạt được điều đó thì mới có hạnh phúc (bonheur).
Ở giai đoạn một, ta là người thiếu thốn khi tâm khởi lên tham muốn. Sang giai đoạn hai, ta là người sung sướng nhưng không khéo có thể rơi trở về giai đoạn một nếu thiếu ý thức. Giai đoạn ba, ta là người có hạnh phúc, ý thức càng nhiều thì hạnh phúc càng lâu.
Thí dụ khi đau răng, ta chỉ thèm muốn làm sao hết đau răng là sung sướng lắm. Thời nay không phải mới đau răng là có thể chạy ngay tới phòng mạch nha sĩ, ta phải lấy hẹn trước ít nhất một, hai ngày. Đến khi được nha sĩ chữa hết đau răng, ta thở phào sung sướng. Nhưng vừa hết đau răng, chưa kịp thưởng thức sự sung sướng đó thì ta nghĩ ngay tới việc ăn uống, không biết lát nữa đi ăn nhà hàng nào ngon để bù lại mấy ngày qua. Khi đau răng ta cầu "hạnh phúc hết đau răng", nhưng khi hết đau răng thì không thấy hạnh phúc mà lại tiếp tục thèm muốn cái khác. Ta đã để "hạnh phúc hết đau răng" tuột ngay khỏi tầm tay.
Hồi trước còn nghèo, đi làm phải đi xe đạp hoặc xe công cộng nên tôi thèm có một chiếc xe hơi, nếu có được xe hơi thì tôi sung sướng lắm. Sau này làm ăn khá giả có tiền mua được xe hơi, mỗi ngày lái xe đi làm, ý thức được mình may mắn hơn nhiều người khác nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Ngày nào tôi còn nhớ (niệm) và ý thức (tỉnh giác) được như vậy thì ngày đó tôi còn tiếp tục hưởng cái "hạnh phúc có xe hơi".
Hạnh phúc luôn luôn là hạnh phúc về cái gì? Hạnh phúc không có tự tánh, không thể tự nhiên mà có. Hạnh phúc lâu bền hay ngắn ngủi tùy theo ta ý thức nhiều hay ít.

3- Hạnh phúc một mình
Chúng ta thường đi tìm một cái gì bên ngoài để mang lại cho mình hạnh phúc như vật chất, nhà cửa, xe hơi, máy móc, tiện nghi, ... hoặc tình cảm gia đình, thân quyến, bạn bè, người yêu, ... hoặc danh vọng, địa vị, lý tưởng. Ta khát khao tìm kiếm vì tưởng mình nghèo nàn, thiếu thốn, tâm luôn phóng ra ngoài chạy theo trần cảnh. Trong kinh Pháp Hoa kể câu chuyện về đứa cùng tử suốt đời đi ăn xin vì không biết trong túi mình có viên ngọc quý, đến khi được người bạn nhắc tỉnh ngộ lấy ngọc ra xài liền hết đói khổ.
Bài quán chiếu dưới đây nhắc bạn nhớ lại những viên ngọc quý mà bạn đã có, chỉ cần lấy ra dùng là sẽ có hạnh phúc.

4- Quán chiếu hạnh phúc
Sau đây là 7 điều quán chiếu hạnh phúc:
- Ta đang còn sống
- Ta có sức khỏe
- Ta có đủ sáu căn
- Ta có tự do
- Ta có tiện nghi vật chất
- Ta có tình thương
- Ta có sự hiểu biết

1/ Ta đang còn sống
Trên đời này quý nhất là sự sống. Tất cả sinh vật từ côn trùng, sâu bọ, thú vật cho đến con người, loài nào cũng tham sống sợ chết. Giả sử bây giờ phải lựa chọn giữa trúng số độc đắc mà chết và sạt nghiệp mà sống thì bạn sẽ lựa cái nào? Ở đời ai cũng lo đi tìm tiền của, nhưng thật ra tiền của chỉ để bảo đảm sự sống an toàn, tiện nghi. Có nhiều người giàu sang sẵn sàng chi hết tiền của để cứu lấy mạng sống. Như thế đủ thấy sự sống quý hơn tiền bạc, quý hơn gấp trăm ngàn, triệu ngàn lần. Ngay cả triệu đô la cũng không mua nổi mạng sống khi bị bệnh ung thư hay sida (aids). Vậy mà sáng nay mở mắt thức dậy còn sống, bạn có thấy mình hạnh phúc không?
Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sống đây. Còn sống thì còn tất cả.

2/ Ta có sức khỏe
Sự sống quý nhất trên đời, sức khỏe quý nhất trong sự sống. Có sức khỏe không có nghĩa là phải khỏe như lực sĩ thế vận hội mà chỉ cần không đau nhức, bệnh hoạn, không có bệnh trầm kha, nan y, v.v... Ở đời mấy ai tránh khỏi bệnh tật, không bệnh này thì bệnh nọ. Bệnh nặng như ung thư hay sida phải có thuốc giảm đau như morphine mới chịu nổi, nếu không thì đau đớn rên siết như bị hành hình ở địa ngục, bệnh nhẹ như cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu cũng làm cho ta mệt mỏi, khó thở, đau nhức. Mỗi khi khỏe mạnh, không bệnh hoạn thì ta hãy mừng rỡ ý thức đó là một hạnh phúc. Có nhiều tiền mà bệnh hoạn liên miên, ăn không được, ngủ không yên, hết nằm nhà thương này đến nhà thương nọ, có tiền như vậy đâu có sướng!
Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sức khỏe đây. Còn sức khỏe thì còn làm được tất cả.

3/ Ta có đủ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)
Có nguời đầy đủ sức khỏe nhưng lại bị mù, điếc, hoặc câm, què, tàn tật, v.v... Những người này dù có tiền, có sức cũng đâu sung sướng gì! Bạn có thể tưởng tượng nếu bây giờ bị mù thì bạn sẽ ra sao? Chỉ cần nhắm mắt lại trong năm, mười phút đi tới đi lui trong nhà mình xem. Bạn có hiểu được nỗi khổ của người mù không? Vậy mà bạn đang còn đôi mắt sáng thấy được trời xanh, mây trắng, tai nghe được chim hót, nhạc hay, mũi ngửi được mùi cơm thơm, miệng nói năng được với người thương, thân không què quặt, tâm không điên loạn. Như vậy còn đòi hỏi gì hơn? Chỉ cần mất đi một căn thôi đời bạn sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa.
Dù ở trong cảnh khổ nào đi nữa, nhớ lại mình còn nguyên vẹn sáu căn cũng đủ an ủi và xóa tan đi mọi niềm đau.

4/ Ta có tự do
Tự do ở đây là không bị tù đày chứ không có nghĩa chính trị hay tôn giáo. Bởi vì theo giáo lý, tất cả chúng ta đều là tù nhân của ba cõi sáu đường *.  Chỉ khi nào thoát khỏi sinh tử luân hồi mới thực sự là tự do.
Hiện tại bạn có đang ở tù không? Có đang bị trói buộc, xiềng xích không? Có ai cấm bạn đi đứng nói năng, ăn uống không? Có ai đánh đập theo dõi kiểm soát bạn không? Bạn có biết đời sống trong tù ra sao không? Dù đó là tù ở Pháp, ở Mỹ? Có thể bạn nghĩ tù ở các xứ văn minh giàu có thì sướng hơn ở xứ nghèo chăng? Ở Mỹ nhân viên cai tù không hành hạ tù nhân nhưng chính những người tù đánh đập, áp bức, hiếp đáp lẫn nhau rất dã man.
Ngay bây giờ nhìn lại, bạn có thấy mình được tự do đi đứng nói năng không? Nhớ ai thì lên xe rồ máy đi thăm, thèm ăn món gì thì ra chợ mua hoặc đi nhà hàng, v.v... Có biết bao người đang bị tù đày khổ sở, trong đầu chỉ ao ước được tự do như bạn là họ sung sướng lắm. Vậy mà đang sống tự do bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Nếu không thì bạn hãy ý thức và nhớ lại đi, đừng để khi mất tự do rồi mới mơ ước thì quá muộn.

5/ Ta có tiện nghi vật chất
Tiện nghi vật chất không hẳn là nhà cao cửa rộng, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa chén, v.v... Tiện nghi ở đây là những thứ căn bản mà phần đông chúng ta đều có, đó là cơm ăn, áo mặc, chỗ ở che mưa nắng, không phải đi ăn xin, ngủ đầu đường xó chợ. Nhiều người ở Việt Nam vẫn tưởng rằng sống ở Pháp hay Mỹ chắc sướng lắm vì đầy đủ tiện nghi, họ đâu biết là ở đâu cũng có kẻ giàu người nghèo. Ngay tại Paris, thủ đô ánh sáng, hàng ngày vẫn có nhiều người ăn xin vô gia cư, tiếng pháp gọi là SDF (sans domicile fixe), ngửa tay đi xin tiền trong xe điện ngầm (métro), tối đến họ chui vào những gầm cầu thang để ngủ. Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Hãy nhìn lại hoàn cảnh của mình, bạn có đói đến nỗi thiếu ăn không? Có nghèo đến nỗi không còn mảnh vải che thân? Nếu chưa đến nỗi như vậy thì bạn hãy xem mình đầy đủ. Khi tâm biết đủ (tri túc) thì bao nhiêu cũng đủ, khi tâm tham muốn đòi hỏi thì bao nhiêu cũng không đủ. Người biết đủ là người giàu có hạnh phúc vì không thấy thiếu thốn, người tham lam keo kiệt dù có nhiều tiền vẫn là người nghèo vì không bao giờ thấy đủ.

6/ Ta có tình thương
Nhiều người khổ sở vì cảm thấy cô đơn, không có ai thương mình hết. Không ai thương mình bởi vì mình đâu có thương ai. Khi trong lòng ta tràn đầy tình thương thì tự nhiên nó tỏa ra và mọi người sẽ tìm đến. Giống như mùa xuân hoa nở thơm ngát thì tự động ong bướm bay tới xung quanh. Ai cũng có một trái tim, tiếng Hán là tâm, bản chất của tâm (tim) là thương yêu. Ta có dư tình thương cho chính mình và cho kẻ khác. Chỉ cần nhớ lại mình có trái tim thương yêu và đem ra xử dụng. 
Hiện tại bạn có ai là người thân thương không? Có cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè không? Có ai đang thương và lo lắng cho bạn không? Có tình thương, biết thương và được thương là một hạnh phúc lớn nhất trên cõi đời này.

7/ Ta có sự hiểu biết
Hiểu biết ở đây là hiểu biết đạo lý chứ không phải kiến thức bằng cấp. Không kể người khùng điên mất trí, hoặc bị bệnh tâm thần mà ngay cả những người bình thường cũng chưa chắc có sự hiểu biết về nhân quả và đạo đức. Đầu óc ta còn sáng suốt, không điên khùng mất trí, lại gặp được Phật pháp, học hiểu giáo lý giải thoát, đó là một duyên lành hy hữu trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được.

Ngoài ra nếu là Phật tử, ta có thể quán chiếu thêm như sau:
- Thật may mắn hạnh phúc cho ta mỗi ngày được tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, trì chú, đó là việc làm đầy ý nghĩa và lợi ích nhất trong ngày vì nó giúp ta giải thoát. Còn bao nhiêu việc khác như đi làm kiếm tiền, ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, hưởng thụ, v.v... đều là tạo nghiệp và gây thêm phiền não.

Nếu quán chiếu những điều trên chưa đủ để cho bạn hạnh phúc thì bạn cần phải "hạ sơn" đi vào cuộc đời để tiếp xúc với người sắp chết, người bệnh để thấy họ khổ ra sao, tiếp xúc với người tàn tật, người tù, người ăn xin, người cô đơn, người ngu cố chấp thì may ra nó sẽ giúp bạn tỉnh ngộ thấy mình hạnh phúc.

5- Hạnh phúc tuyệt đối
Những loại hạnh phúc kể trên dù một mình hay hai mình đều tương đối, tạm bợ giúp cho người ta bớt khổ phần nào trong kiếp luân hồi vô tận, vì thật ra tất cả hạnh phúc thế gian chỉ là ảo ảnh (maya), như bóng trong gương, như trăng đáy nước, thấy dường như có mà không thật có, càng tìm kiếm càng thất vọng. Nếu chưa dứt được nghiệp ái thì cố gắng tu sửa để sống hạnh phúc với người mình thương, đừng gây khổ cho nhau.

Là người trí cần phải hướng đến "hạnh phúc tuyệt đối". Theo Đạo, hạnh phúc không phải là cái gì ở bên ngoài mà ở ngay trong tâm mình, khi tâm chấm dứt thèm khát, ham muốn thì lúc đó không cần phải chạy đi tìm kiếm cái gì nữa hết. Hạnh phúc chân thật là sự bình an của tâm hồn. Khi tâm hồn hoàn toàn bình an, vắng lặng không còn một chút bóng dáng của khát ái, phiền não, lo âu, chấp ngã, ích kỷ thì đó mới là hạnh phúc chân thật.

Thích Trí Siêu
Trích  “Ý Tình Thân”
* Ba cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, atula, trời.

Hạnh phúc

" Tự Do là ung dung trong ràng buộc
Hạnh Phúc là tự tại giữa Khổ Đau "  
- TS Viên Minh -



HẠNH PHÚC
Không có cái hạnh phúc nào từ trên trời rơi xuống, cũng không có cái thiên đường nào chỉ toàn là hạnh phúc, bởi ý niệm hạnh phúc chỉ có khi con người biết cảm nhận khổ đau.

1- Thỏa mãn cảm xúc
Hạnh phúc luôn là niềm khao khát lớn nhất của con người. Tùy vào hiểu biết của mỗi người qua từng xã hội và từng thời đại mà hạnh phúc được quan niệm một cách khác nhau. Không ít người cứ gặp phải xui rủi triền miên nên họ quả quyết rằng trên đời này làm gì có hạnh phúc. Còn những người trẻ thì cứ mơ mộng hạnh phúc đang ở cuối con đường mình đang đi. Và hằng bao lớp người đi gần hết kiếp nhân sinh này mà vẫn đuổi theo hạnh phúc như trò chơi cút bắt; có khi tóm được nó thì nó lại tan biến, có khi ngỡ như mình tay trắng thì lại thấy nó hiện về. Mặc dù ai cũng mong muốn có hạnh phúc nhưng khi được hỏi hạnh phúc là gì thì phần lớn đều rất lúng túng, định nghĩa một cách rất mơ hồ hoặc mỉm cười trong mặc cảm.
Chẳng phải ta cũng như bất kỳ người trẻ nào đã từng cảm thấy thật hạnh phúc khi nắm được mảnh bằng tốt nghiệp sau nhiều năm vật lộn với đèn sách? Nhưng vì liền sau đó ta lại than phiền rằng phải kiếm được việc làm có nhiều tiền, khiến bạn bè nể phục mới thật là hạnh phúc. Rồi cái cảm giác hạnh phúc ấy không ở lại bao lâu, ta lại nghĩ nếu không cưới được người mình yêu thì sao là hạnh phúc. Và chưa bao lâu ta lại trông đứng trông ngồi có một đứa con, rồi thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà, đẹp lòng hai họ. Những ngày tháng hạnh phúc ấy cũng qua nhanh, bây giờ ta lại ao ước được dọn ra riêng, được sở hữu một căn hộ đắt tiền thì mới gọi là hạnh phúc trọn vẹn. Và rồi ta lại bất an khi thấy bạn bè chạy xe đời mới, con của họ học những trường danh tiếng, chức vụ của họ được nhiều người ngưỡng mộ, ta lo nếu theo không kịp thì hạnh phúc của mình cũng trở nên tầm thường, chẳng đáng vào đâu.
Thế là ta cứ bỏ hình bắt bóng, đứng núi này trông núi nọ, rốt cuộc chẳng biết hạnh phúc là cái gì. Tuy ta cảm nhận được hạnh phúc chính là cảm giác sung sướng, dễ chịu, thoải mái khi mình đạt được những thứ gì mình mong muốn, nhưng ta không lý giải nổi tại sao cảm giác đó đến rồi đi quá vội vàng. Ta mặc kệ. Ta chẳng buồn nhìn lại. Ta cứ lao tới để nắm bắt những thứ mà ta đinh ninh rằng nếu không có nó thì ta không thể nào sống hạnh phúc được. Thật ngộ, ta không biết được cái gì trong hiện tại có thể làm cho ta hạnh phúc thì làm sao ta quả quyết những gì trong tương lai có thể làm cho ta hạnh phúc? Hạnh phúc có phải là vấn đề của hiện tại hay tương lai không? Hạnh phúc có cần hội đủ những điều kiện tối ưu cho nó không? Nói vậy thì những người không có hội đủ những điều kiện ấy thì họ không thể hạnh phúc sao?
Thật ra những điều kiện của hạnh phúc vẫn luôn có mặt, chỉ có điều nó không hấp dẫn ta nữa thôi. Không phải vì nó đã mất đi tính hữu dụng mà chỉ tại ta mau chóng nhàm chán, nhu cầu hưởng thụ của ta cứ thay đổi liên miên. Một phần do bản năng hưởng thụ quá lớn, một phần bị tác động bởi tâm thức xã hội. Đôi khi ta vất vả cả chục năm trời để mua cho bằng được một món đồ cao cấp sang trọng chỉ vì ta lo sợ nếu không có nó thì đời sống sẽ không được an toàn, hoặc chỉ vì muốn chứng tỏ mọi người biết mình là ai, chứ ta có hưởng được bao nhiêu đâu. Mọi tranh đấu của ta chung quy cũng chỉ để có càng nhiều càng tốt những tiện nghi vật chất và tiện nghi tinh thần (danh dự), để thỏa mãn cảm xúc, phục vụ cái tôi ham thích hưởng thụ không biết dừng của mình.
Nếu cảm xúc chỉ là cảm xúc được thỏa mãn khi được hưởng thụ, thì ngay trong giây phút này đây ta cũng đang nắm trong tay vô số những điều kiện mà nhờ nó ta mới tồn tại một cách vững vàng. vậy tại sao ta nói mình chưa hạnh phúc? Một đôi mắt sáng để nhìn thấy cảnh vật và những người thân yêu, một đôi chân khỏe mạnh có thể đi đến bất cứ nơi nào, một công việc ổn định mang lại thu nhập kinh tế giúp ta thể hiện được tài năng, một gia đình luôn chan chứa tình thương giúp ta có điểm tựa vững chắc, một vốn kiến thức đủ để ta mở rộng tầm nhìn ra thế giới bao la, một tấm lòng bao dung để ta có thể gần gũi và chấp nhận được rất nhiều người… Đó không phải là điều kiện của hạnh phúc thì là gì? Chỉ cần nhìn sâu một chút ta sẽ thấy mình đang sở hữu nhiều lắm, nhiều hơn là mình tưởng. Đừng vì một vài điều chưa toại nguyện mà ta vội than trời trách đất rằng mình là kẻ bất hạnh nhất trên đời.
Vì vậy, kẻ khôn ngoan không cần chạy thục mạng đến tương lai để tìm kiếm những thứ chỉ đem tới những cảm xúc nhất thời mà sẽ dành thời gian và năng lượng để khơi dậy và gìn giữ những giá trị hạnh phúc mình đang có. Không cần nhiều tiện nghi, chỉ cần sống một cách an vui là ta đã có hạnh phúc rồi. Mà ngay khi đời sống chưa mấy ổn định thì ta vẫn có thể hạnh phúc vì thấy mình may mắn giữ được mạng này. Hãy nhìn một người đang nằm hấp hối trong bệnh viện, một người đang cố ngoi lên khỏi trận động đất, một người suýt mất người thân trong gang tấc ta sẽ biết hạnh phúc là thế nào. Hạnh phúc của họ rất đỗi bình thường, đôi khi chỉ là một hơi thở, một nắm cơm hay một cái nhìn nhau lần cuối. Cho nên không có thứ hạnh phúc nào đặc biệt ở tương lai đâu, ta đừng mất công tìm kiếm. Có chăng cũng chỉ là những trạng thái cảm xúc khác nhau mà thôi. Mà cảm xúc thì chỉ có ghiền, chứ có bao giờ là đủ.

2- Thỏa mãn ý chí
Khi hay tin người thân đang bị kẹt trong cơn bão tuyết thì dù đang trong nệm ấm chăn êm, ta cũng không tài nào hạnh phúc được. Ta không cần cái cảm giác sung sướng đó. Chỉ cần có mặt kịp thời để cứu giúp người thân thì dù có trải qua cái cảm giác lạnh thấu xương trong bão tuyết ta cũng thấy hài lòng. Cũng vậy, một bà mẹ làm việc quần quật suốt ngày để kiếm tiền lo cho con ăn học thành tài, tuy phải chấp nhận sự mệt nhọc thể xác nhưng bà cảm thấy rất hạnh phúc vì đã làm tròn tâm nguyện. Một người hoạt động chính trị tuy bị khảo tra rất đau đớn, nhưng họ vẫn thấy tự hào vui sướng vì đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Như vậy, hạnh phúc không chỉ là cảm xúc dễ chịu, đôi khi ta phải hy sinh những cảm xúc ấy để đổi lấy thứ hạnh phúc sâu sắc hơn, đó là thòa mãn ý chí.
Mặc dù thỏa mãn ý chí vẫn còn đứng trên nền tảng phục vụ cái tôi, phục vụ cho bằng được điều mình muốn làm, nhưng đó là sự hưởng thụ rất tinh tế và phải để tâm sâu sắc lắm mới nhận ra. Bởi nó vượt qua những đòi hỏi tầm thường của thói quen, dốc hết bản năng sinh tồn để chịu đựng, vận dụng tất cả những hiểu biết và kỹ năng luyện tập để xử lý, nên chắc chắn phẩm chất của nó bền vững hơn loại hạnh phúc chỉ đơn giản được tạo nên bằng cảm xúc; vì bản chất của cảm xúc luôn biến đổi không ngừng theo tâm thức và sự chi phối của những đối tượng chung quanh. Nghĩa là hạnh phúc được thỏa mãn cảm xúc bị điều kiện hóa nhiều hơn hạnh phúc khi được thỏa mãn ý chí.
Như vậy khi gặp hoàn cảnh khó khăn, đối đầu với những cảm giác không mấy dễ chịu, ta đừng vội chống trả. Ta phải ý thức là mình đang thực hiện mục đích lớn lao hay cao cả nên không thể đòi hỏi những tiện nghi hưởng thụ tầm thường được. Nhưng có khi mức khó khăn của hoàn cảnh lên tới đỉnh điểm khiến cho cảm giác khó chịu biến thành khổ đau thì ta cũng đừng vội bỏ chạy, bởi chính cái khổ đau ấy sẽ làm cho ta ý thức được cái gì là hạnh phúc. Cũng như nếu từng bị đói ta mới biết cái quý giá của thức ăn, đã từng chịu cái giá rét của mùa đông ta mới mong đợi nắng ấm về, đã từng bị mất mát chia lìa ta mới nâng niu từng phút giây đoàn tụ, đã từng trải qua tai nạn thập tử nhất sinh ta mới yêu thương quá đỗi cuộc đời này. Cho nên ta đừng sợ khổ đau, đừng chia cắt rạch ròi giữa hạnh phúc và khổ đau, vì nếu không có khổ đau thì ta sẽ không biết thế nào là hạnh phúc. Cũng như ngọc chỉ có trong đá, sen chỉ ở dưới bùn. Ngọc là sự kết tinh của sỏi đá, sen là sự kết tinh của bùn nhơ. Không thể nào tìm kiếm ngọc ở ngoài đá hay tìm kiếm sen ở ngoài bùn được. Vì thế không có cái hạnh phúc nào tự nhiên trên trời rơi xuống, cũng không có cái thiên đường nào chỉ toàn hạnh phúc, bởi ý niệm hạnh phúc chỉ có khi con người biết cảm nhận khổ đau. Và còn nơi nào diệu kỳ hơn cõi đời này vì nó có cả hạnh phúc lẫn khổ đau.

3- Hạnh phúc chân thật
Hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thương thường không còn nguyên vẹn sau đôi ba năm; hạnh phúc mua được căn nhà như ý thường không kéo dài quá đôi ba tháng; hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên ngay sau đó đôi ba tuần; hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói chỉ sau đôi ba tiếng; rồi ta lại khao khát đi tìm và dễ dãi tin rằng một đối tượng nào đó trong tương lai sẽ mang lại hạnh phúc lâu bền hơn. Vậy đó, hạnh phúc của ta thật ngắn ngủi, đôi khi ta mất rất nhiều thời gian và năng lực để tạo dựng nhưng rồi nó cứ bỏ mặc ta mà đi một cách tàn nhẫn. Tại vì nó vốn ở ngoài ta, ta đã vay mượn những điều kiện bên ngoài để nhồi nặn ra thành một thứ để ta hưởng thụ nên ta không làm chủ được nó là phải. Ta biết nhưng không thể làm khác hơn vì ta không thể vượt qua nổi bóng tối tham vọng mình.
Thật ra hạnh phúc thỏa mãn cảm xúc hay hạnh phúc thỏa mãn ý chí đều xuất phát từ tâm của con người chứ không phải do điều kiện bên ngoài. Nhưng vì thiếu hiểu biết nên ta cứ tưởng nếu không có cái này hay không có cái kia thì ta không thể hạnh ohúc. Điều kiện bên ngoài cũng cần, nhưng ít thôi. Cái trạng thái tâm lý không muốn tìm kiếm thêm bất cứ cái gì để phục vụ cho mình và không cần phải loại trù những gì mình cho là bất lợi mới chính là hạnh phúc chân thật. Nó bằng lòng và chấp nhận tất cả. Nó chân thật vì nó là thứ hạnh phúc được tạo ra từ sự bình an của chính lòng mình chứ không vướng kẹt vào hoàn cảnh bên ngoài. Chính vì thế mà người xưa hay nói lạc phải đi liền với an – an lạc – thì mới bền vững. Một người không có nhiều tiền, không có quyền lực, không được ai ngưỡng mộ nhưng luôn sống trong thảnh thơi, lúc nào cũng có thể mỉm cười và tiếp xúc sâu sắc với những giá trị mầu nhiệm trong thực tại thì chẳng đáng kiếp sống sao!
Tâm tham cầu và tâm chống đối thì ai cũng có. Có người trải qua vài biến động lớn lao trong đời thì những năng lượng ấy đột nhiên suy giảm. Nhưng phần lớn thì những ai nắm được hạnh phúc chân thật đều phải được chuyển hóa từng ngày những thói quen lâu đời ấy. Thật ra những mong cầu hay chống đối cũng chỉ là những phản ứng phục vụ cho cái tôi dại khờ xưa nay của ta thôi. Chỉ cần ta nhận ra bản chất chân thật của mình, luôn sống trong tỉnh thức để biết rõ mình đang làm gì và với thái độ nào. Tập buông bỏ dần những tham cầu và chống đối không cần thiết để cái tôi bé nhỏ này được tan chảy vào vũ trụ, để nó vận hành đồng điệu với mọi người và vạn vật thì tự nhiên hạnh phúc trong ta sẽ rộng mở đến vô cùng. Vậy nên tâm ta như thế nào ta sẽ cảm nhận hạnh phúc như thế ấy, bởi hạnh phúc vốn sẵn có trong ta – ở đây và ngay bây giờ.
" Mỉm cười nhìn đóa hoa
Lòng nghi ngờ tan vỡ
Hạnh phúc ở đây rồi
Dại khờ tìm muôn thuở "

Thích Minh Niệm