Tại một miền quê
nghèo xa xưa, có một ngôi làng nằm khuất sâu trong thung lũng. Tại đây, những
người dân trong làng quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn nghèo
mãi, khiến cho không khí trong làng luôn luôn ảm đạm, than khóc khắp nơi.
Một ngày nọ, có
một ông lão từ đâu ghé ngang qua ngôi làng và dựng tạm cho mình một túp lều
ngay đầu làng làm chỗ nghỉ chân. Ngày ngày ông lão lại đeo một chiếc giỏ to
trên lưng, chịu khó đi nhặt nhạnh những nhánh củi khô sát bìa rừng và đổi lấy
lương thực để sống qua ngày. Ban đầu những người dân trong làng cũng không để ý
đến việc ông lão từ đâu đến, bởi họ nghĩ cuộc sống nơi đây vốn đã quá đủ bất
hạnh và khổ cực rồi, ai mà thèm để ý đến một ông lão sắp chết kia.
Nhưng rồi ngày
qua ngày, họ bắt đầu để ý, dường như họ chưa bao giờ nghe thấy ông lão này than
thở dù chỉ là một tiếng, dường như cuộc sống của ông rất thỏa mãn, không thiếu
thốn gì thì ông mới như vậy?
Cho đến khi không
thể chịu đựng thêm được nữa, tất cả dân làng liền quyết định kéo đến túp lều
của ông lão để hỏi bí quyết làm sao để có thể sống được thoải mái, vui vẻ như
ông vậy. Thật ngạc nhiên, sau khi nghe mọi người thắc mắc, ông lão chỉ mỉm
cười, đi vào trong lều lấy chiếc giỏ to đem ra để giữa sân, đoạn nói:
“Bây giờ mọi
người hãy viết tất cả những nỗi khổ của mình ra một mảnh giấy và sau đó gấp lại
rồi cho vào cái giỏ này cho ta.”
Dân làng thấy ông
lão nói vậy càng cảm thấy khó hiểu và thắc mắc, tuy nhiên vẫn nghe lời ông lão
mà làm theo. Sau khi tất cả người dân trong làng đều đã tự viết ra nỗi khổ của
mình và đem thả vào chiếc giỏ, ông lão liền tiến về phía chiếc giỏ, dùng tay
đảo đi đảo lại những mảnh giấy trong đó, và nói:
“Được rồi, bây
giờ làm phiền mọi người hãy lại đây, mỗi người hãy nhặt lại cho mình một mảnh
giấy và đọc nó, sau đó hãy nói cho ta biết, có đồng ý đánh đổi nỗi khổ của mình
đã viết lúc ban đầu, lấy nỗi khổ mà mình vừa lấy lại trên tay kia không nhé?”
Lại một lần nữa
ông lão khiến cho dân làng càng trở nên hoang mang, khó hiểu, nhưng họ vẫn
quyết định làm theo lời ông lão yêu cầu. Khi mọi việc đã xong, họ liền mở những
mảnh giấy ra và đọc to lên những nỗi khổ của người khác được ghi lại trên giấy.
Tuy nhiên sau đó, không ai bảo ai, thật lạ, tất cả đều lặng đi. Lúc này ông lão
mới cười lớn và hỏi to:
“Có ai muốn đánh
đổi sự bất hạnh của mình không?” – Ông lão hỏi.
“Không!” -Tất cả
dân làng đều đồng thanh kêu to.
“Có phải những
nỗi bất hạnh mà các người vừa nhặt lên kia, so với những bất hạnh mà các người
cho là đang phải trải qua còn tồi tệ hơn rất nhiều lần?”
Ông lão lại hỏi :
“Ví như anh kia
bị gãy một tay, không thể làm được việc nặng ngoài đồng, đó là sự bất hạnh nhất
rồi, vậy anh có đồng ý đánh đổi với người hàng xóm của anh, có đầy đủ tay chân
kia, nhưng anh ta phải nuôi cha mẹ già, người vợ và cả đàn con còn bé không?
Hay anh có đồng ý đổi lấy cặp mắt mù lòa của ông già ngồi mài dao ngoài chợ để
có đủ tay chân không?”.
Đoạn ông nói
tiếp:
“Phàm đã là cuộc
sống, chúng ta không thể tránh khỏi những khó khăn, trở ngại luôn song hành
cùng chúng ta. Tuy nhiên nếu ta chỉ biết nhìn vào những khó khăn, những bất
hạnh đó mà than thở, oán than, rồi soi mói, so sánh với người khác…mà không
chịu tìm cách khắc phục, tập cách nhẫn nhịn, tự vượt lên bản thân, thì nỗi khổ
đó há chẳng phải sẽ mãi mãi ngự trị trong tâm hồn ta, ám ảnh cuộc đời ta, và
bao phủ lên cả cuộc sống gia đình ta sao?
Sở dĩ ta kêu mọi
người tự viết ra nỗi khổ của mình và lại nhặt một nỗi khổ của người khác lên
xem, cũng chỉ mong các người nhận ra được một điều, mọi vấn đề có thể với ta nó
là sự bất hạnh, nhưng với người khác, nó chưa chắc đã là bất hạnh nhất, chỉ là
do cách nhìn nhận của ta về vấn đề đó mà thôi. Phải vậy không?”.
Mọi người sau khi
nghe ông lão nói xong, không ai nói được câu gì, chỉ lẳng lặng tản dần đi. Kể
từ đó về sau, người ta không còn nghe thấy những tiếng oán thán kêu than trong
ngôi làng đó nữa, thay vào đó là những lời ca tiếng hát, an ủi động viên nhau,
và ngôi làng cũng dần khấm khá lên, không còn đói khổ như xưa. .. và người dân
trong làng luôn kể lại cho con cháu đời sau về câu chuyện “đánh đổi sự bất
hạnh” như một bài học quý báu cho đời.
-st-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét