Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Nồi cơm của Khổng Tử

 
“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân  
 
Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử
Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.
Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò đắc ý của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …
Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
-st-
(*)“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, nghĩa là: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”- "Những điều mà mình không muốn người ta làm cho mình thì đừng có làm cho người khác"  - Câu này phổ biến đến nỗi người ta cho là tục ngữ, nhưng thực ra đó là câu trả lời của Đức Khổng Tử (551-479 trước công nguyên) khi được Tử Cống hỏi về cách sống suốt đời. Khổng (Phu) Tử là một danh nhân đức hạnh, được người Trung Hoa tôn là “Vạn đức Sư biểu”, tức là “người thầy của muôn đời”.

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Thế giới và anh


Hồi đi học mình mê anh vì vẻ lãng tử, ít nói và đặc biệt là ánh mắt nhìn ngang, thờ ơ với đám con gái trong trường. Anh học giỏi, đàn hát hay và trong lúc phấn khích hay đại ngôn rằng: Tớ sẽ lập lại trật tự của thế giới! Nhìn anh tràn trề sức sống và tài năng, mình tin có ngày anh làm được. Anh chả để ý đến mình và tán đổ ngay Thúy, em hoa khôi lớp dưới. Thế rồi mình cũng có người yêu và không quan tâm đến nhau nữa. Thời sinh viên cũng sang trang.
Một lần anh đến ngân hàng giao dịch và chúng mình nhận ra nhau. Anh bảo vừa chuyển qua chỗ làm thứ ba và cũng tạm ổn, anh có thể giúp đỡ bố mẹ trang trải cuộc sống khó khăn trước đây, mình hỏi anh sắp cưới chưa thì anh bảo vừa đi dự đám cưới Thúy tuần trước. Rồi như thói quen, anh nhìn ngang qua cửa và bảo anh phải ổn định cuộc sống và chưa nghĩ chuyện lấy vợ. Mình nhìn anh cười cười: Vậy là phải chờ anh lập lại trật tự của thế giới phải không. Anh bật cười và không nói gì.
Anh gọi điện thoại, hỏi nơi mình ở. Mình hỏi anh có việc gì. Anh bảo để mời em dự đám cưới. Tự dưng mình thấy run run, sao nhanh quá vậy, mới có 2 tháng không gặp, cô gái nào may mắn thế. Chả hiểu sao mình lại hỏi thành tiếng với anh câu hỏi ấy. Anh ngần ngừ một chút rồi bảo vợ sắp cưới là con gái giám đốc công ty anh đang công tác. Mình thở dài, thế thì thế giới này vẫn sắp xếp theo trật tự cũ. Mình đến dự đám cưới và ngạc nhiên vì thấy vợ anh trái ngược với nhan sắc Thúy hoàn toàn. Rồi mình lấy chồng và chẳng còn liên hệ với anh.
Hôm qua chợt gặp lại anh trong bữa tiệc. Anh bước xuống từ chiếc xe xa xỉ. Giật mình vì anh khác quá. Mái tóc đã bạc trắng và đôi mắt hằn vẻ mệt mỏi với cái bụng bia, không thể giấu được trong bộ trang phục sang trọng. Anh mừng vui lạ lùng khi nhận ra mình. Anh bảo em vẫn trẻ đẹp, có bí quyết gì không, mình bảo vì em ngốc nghếch nên lâu già. Anh đã lên chức tổng giám đốc một công ty lớn, hai con đã đi du học và vợ nghỉ hưu sớm, giờ cô ấy chỉ suốt ngày tụng kinh và đi chùa. Rồi anh kể là anh bị tiểu đường, bị huyết áp cao, bị thấp khớp nên kiêng khem hết, buồn. Mình đùa bảo vậy bao giờ mới lập lại được trật tự thế giới đây. Anh mơ màng một chút rồi nói ngày xưa mình đầy sức sống và nghênh ngang nhỉ. Buổi tiệc kết thúc mình chào anh về. Anh tiễn mình ra xe và nói: Nếu quay lại ngày xưa thì… Mình xen ngang: lại thay đổi thế giới à? Anh nhìn xuống, hình như anh bỏ thói quen nhìn ngang lâu rồi, nói tiếp: Không, thế giới vẫn thế nhưng anh sẽ khác. Mình cười. Nắm tay anh, dặn anh giữ gìn sức khỏe. Xe chuyển bánh. Mình không nhìn lại.

Vũ Thanh Hoa

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Nương tâm

NƯƠNG TÂM 
Larson lái xe đưa Charlotte đi về vùng thôn quê và đỗ xe ở một quãng đường hoang vắng. “Nếu anh thử gạ gẫm em,” Charlotte nói, “em sẽ la lên đấy.”
“Điều đó thì có tác dụng gì?” Larson hỏi. “Chả có ma nào quanh đây vài dặm.”
“Em biết chứ” Charlotte nói, “nhưng em muốn thoả mãn cho lương tâm em trước khi em bắt đầu có thời gian vui thú.”

-st-

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Sẹo Thơ

Tôi thấy em nằm trên cỏ xanh
Tôi khoái hoa vàng trên cỏ xanh
Tôi thấy thơ này đâu phải thơ 

Lâu nay, mình chẳng mấy để tâm đến những giải thưởng văn thơ thường niên như trước nữa …có lẽ do càng thêm tuổi lại càng thêm lười cái việc đọc sách, học hành ... vả lại mình thấy các tác phẩm gần đây ngày càng nhạt và chả mấy ấn tượng. Tất nhiên đó chỉ là suy nghĩ của riêng mình … và mình thì có lẽ cũng đã lạc hậu so với thời cuộc ... và, cũng chỉ đơn giản là một độc giả bình thường trong nhân gian mà thôi. Tuy chưa đọc thêm bài nào ngoài cái bài có “ sẹo ” đang gây dư luận  trong tuyển tập “ sẹo ” này, nhưng mình thấy thật là nản và rất hoang mang sau khi vừa chộp được bài “ úp sọt ” như búa bổ quen thuộc của bác Trần Mạnh Hảo cùng các trích dẫn thơ rất " choáng " và rất  " kinh hãi "  … tạm gác câu chuyện “ bút đấu ” đạo văn, đạo thơ sang một bên vì .. đó là chuyện của các bác có tầm có tiếng, có tên có tuổi. Cá nhân mình thì chỉ thấy lăn tăn có mỗi một câu hỏi ?  là tại sao ? … một cái mớ lổn nhổn... băm... băm ... chặt... chặt....lục cà, lục cục, không rõ ra là thơ, ra là văn ... , hay oánh nhạc mồm kiểu Rap hay Hít Hốp tân thời … lại có thể giật được cái giải nhất ? hay tại cỡ như mình chưa đủ tầm để “ thẩm ” cái món " siêu cao " này ! xưa nay mình vẫn nghĩ là với thơ thì dù hiện đại cũng vẫn nên có tí vần, tí điệu nó mới thú…hoặc giả tỉ nó quá siêu thực đi chăng nữa thì cũng phải có cái “ thần ” hay giấu tí triết lý về Đạo hay Đời chứ… đằng này chỉ thấy tập hợp một mớ những câu nghe choang choảng, không đầu , không cuối, vô nghĩa và không thể hiểu nó nói cái gì… tất nhiên, ngoại trừ cái “ sẹo độc lập ” thì quá rõ để mà hiểu … Zàng ơi !
Bài quăng bom của bác Hảo đây
Nhà xuất bản “Lao động” cho xuất bản tập thơ của Phan Huyền Thư năm 2014, cuối năm 2015 tập thơ này đã giành được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Ngay sau đó, “Sẹo độc lập” đã bị mạng xã hội tố cáo Phan Huyền Thư đạo thơ của Du Tử Lê và Phan Ngọc Thường Đoan, cũng như mấy năm trước tác giả này đã đạo văn của nhà phê bình Đặng Tiến. Lúc đầu, ông Phạm Xuân Nguyên nhảy ra bênh Phan Huyền Thư nhưng tất cả bằng chứng và sự thật đã chống lại Phạm Xuân Nguyên và tác giả tập thơ. Cuối cùng Phan Huyền Thư đã phải xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan, xin lỗi độc giả vì chuyện hai bài thơ giống nhau như hai giọt nước; tuy nhiên bà Thư tuy bị Hội Nhà văn Hà Nội truất ( thu hồi) giải thưởng, vẫn gân cổ lên cãi bà không mắc tội đạo thơ. Có nghĩa là “vụ án đạo thơ thế kỷ” này chưa dừng lại vì Phan Huyền Thư đang âm mưu làm phù phép nhờ vả hai ba anh nào đó bên hải ngoại tạo bằng chứng giả để tố ngược lại Phan Ngọc Thường Đoan đạo thơ mình !
Chính vì vậy, chúng tôi phải tìm đọc tập thơ “Sẹo độc lập” để xem nó có đích thực là thơ hay không, hay chỉ là những câu nói tầm thường năng xuống dòng viết theo trường phái “Tân con cóc” do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - một ông công an kiêm Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam làm chủ soái. Chúng tôi xin trích nguyên văn “bài thơ” “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư để xem nó thơ hay không thơ ( vì thơ này xuống dòng liên tù tì nên chúng tôi dùng gạch chéo / để thay cho cơn mưa xuống dòng ) :

“Ngày mười / chin tháng / hai năm nhâm / tý / tôi / được độc lập / với mẹ / bằng sợi dây / rốn / cắt đứt cơ thể / vết / sẹo làm người / vết sẹo / tôi / cái rốn / độc / lập Phan Huyền / …Thơ 19/2/2004”

Cả “bài thơ” là những câu nói tầm thường, không có câu nào là thơ cả, Phan Huyền Thư viết theo lối cực kỳ dễ dãi, nhạt nhẽo, tầm phào theo tiêu chí “Tân con cóc” của chủ soái Nguyễn Quang Thiều. Hèn gì sáng nay, ông chủ soái trường thơ “Tân con cóc” Nguyễn Quang Thiều lên mạng bênh Phan Huyền Thư, lên án Hội nhà văn Hà Nội thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư là sai vì bà này có nhận mình đạo thơ đâu.
Nếu cứ viết phi thơ, viết phứa, viết dễ dãi tào lao chi khươn như Phan Huyền Thư như theo bút pháp “sẹo” trên thì bất cứ ai không cứ kẻ viết bài này, mỗi ngày cũng có thể cho ra hai mươi tập thơ được giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội. Trần Mạnh Hảo xin phóng bút, té nước theo mưa “ Sẹo độc lập” mưa thơ rằng :

“MỦ YÊU” : em/ li dị / tôi / khiến trái / tim tôi / mưng mủ / mủ / yêu / em tội /ác / quân / giết người / có tên / là trinh nữ / quái thai / ơi / từ mủ / yêu / tôi /cô / đơn dứt khoát / thành trần / mạnh / hảo ngọt / mủ / ơi…

Xem ra “Mủ yêu” có cơ hay hơn “ Sẹo độc lập” mất !
Nhìn bìa tập thơ “Sẹo độc lập” đủ biết Phan Huyền Thư không hiểu bản chất thi ca, chưa rành tiếng Việt khi bà Thư chua dưới tên tập thơ dòng chữ : “ Một tập thơ viết để trò truyện với những người bạn”…Xưa nay thơ vốn là lời tâm tình của tác giả với độc giả, là nơi người viết tìm tri âm tri kỷ” sao còn thừa lời trên bìa sách thế này. Giống như chị bán cá ngoài chợ phải viết trên sạp cá của mình rằng đây là cá vì sợ người đi chợ nhầm là con chim hay sao ? Vả, nó là “một tập thơ” dĩ nhiên rồi, có phải hai hay ba tập đâu mà thừa lời rằng “ sẹo độc lập” là một tập thơ, không phải hai tập đâu nhá …

Lại nói tí tẹo về bài “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư : nghĩa là khi bà Thư sinh ra bà bị cắt cuống rốn tạo thành cái sẹo để độc lập với bà cụ Thanh Hoa đã sinh ra bà. Lượng thông tin của thơ này chỉ có thế. Thơ bản chất là ngôn ngữ hình ảnh, hình tượng, là ngôn từ bề sâu, hàm xúc, ngôn từ biểu tượng, hồn nhiên nhưng ngầm chứa triết học. Cái “sẹo” cắt rốn kia sao đã có thể làm đứa con “độc lập” với bà mẹ được. Về nghĩa đen đã sai ( xin lỗi, thơ Phan Huyền Thư không có nghĩa bóng)…Đứa trẻ sinh ra cho tới chết cũng không thể độc lập khi nó còn phụ thuộc vào sữa mẹ, mũi nó phụ thuộc từng giây vào dưỡng khí là bà mẹ bầu trời…Con người là một sinh vật phụ thuộc vào muôn thứ khách quan…Chỉ một vết cắt rốn mà đứa trẻ độc lập được thì độc lập ơi ta chào mi, vì mi chẳng có thật trên đời…

Phan Huyền Thư, kẻ vắt mũi chưa sạch trong thi ca, lẽ nào dám chê bai nền thi ca dân tộc với những đại thi hào như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, với những thi hào như Ôn Như hầu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Đoàn Thị Điểm, Tản Đà, Hàn Mặc tử, Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…lại dám viết những lời phỉ phui, rẻ rúng chê bai nền thi ca dân tộc thế này :

“ Trăm năm quốc ngữ / hay cả ngàn năm Hán Nôm / không tìm ra câu thơ nào viết đủ / cho khổ đau và cay đắng / khi tôi hiểu ra một danh tính : thi nhân…” (trang 25)

Một Lê Đạt mà Phan Huyền Thư coi là thầy, hay nhắc đến ông trong “Sẹo độc lập” cũng có nhiều câu thơ hay, rất “khổ đau và cay đắng”, lẽ nào bà Thư chưa đọc ông này với hai câu thơ thôi : “ Cột đèn rớm điện” và : “ Mẹ già ta ngơ ngác ? Lưng còng đau gậy tre” ?

Cho hay kẻ hậu sinh quen dùng thước vũng trâu đằm đo biển cả cha ông do thiếu học vấn, thiếu tâm hồn thi ca mới dám gần chùa gọi bụt bằng mày tao như thế ?
Thơ Phan Huyền Thư trong “ Sẹo độc lập” không chỉ dễ dãi, nhạt nhẽo mà rất đại ngôn, triết lý vớ vẩn :
“để giới hạn an toàn trong giới hạn / bằng chân lý : bất động / sự bất động của nghệ thuật /là tượng đài hình chiếc cột /đợi tương lai thi hành án / tử hình” ( trang 31 bài “Giới hạn”)

Triết lý dởm này là thế nào hả giời ? Ôi, có thứ chân lý bất động à giời ? Dân gian định nghĩa “ chân lý là cái lý có chân” mà…Chân lý là cái bọn đến gần nó thì nó biến mất, nó sợ thi ca vớ vẩn hành hạ nên chạy mất dép, chỉ có thứ chân lý “ngu tín” mới bất động mà thôi ! Làm sao bà Thư lại bắt nghệ thuật phải tử hình ? Chính vì vậy, nghệ thuật nó sợ vãi mà không dám ở lại cùng thơ Phan Huyền Thư chăng ?
Trong bài “ Chuyến bay” trang 32 : gửi hộp đen báo bão Phan Hoàng ( hèn gì Phan Hoàng bênh bà Thư không đạo thơ đâu), nhiều câu triết lý kinh hãi đến mất ngáp :

“Biết trước những ánh mắt tiễn đưa / Nhọn hoắt màu hả dạ. Một rừng cọc gỗ / Bạch Đằng giang bịt sắt / hoen gỉ đâm vào sự bình thản / Cái mũ của người đội nó / không che được thái độ của họ…”

“Nhọn hoắt màu hả dạ” là sao giời ? Chả lẽ chiều nay tôi ăn canh rau mùng tơi nấu cua hả dạ quá, thì cái hả dạ này cũng nhọn hoắt hay sao ? Chị kia yêu chồng đêm qua sướng lắm, hả dạ lắm chắc cũng do cái nhọn hoắt đâm vào màu hả dạ than ôi ! Hả dạ ơi hả dạ, thi ca kiểu này làm tôi khiếp, bố bảo không dám hả dạ nữa, thơ ơi !

Đọc đến đây, kẻ viết bài này hãi quá, sao lại : “hoan gỉ đâm vào sự bình thản” ? Than ôi, ta chào sự bình thản vì ngươi đã bị sự hoen gỉ xuyên thấu tim …Ai hoen gỉ hay thi ca “ tân con cóc” làm hoen rỉ cả nền thơ ?
Bà Thư chưa tha người đọc khi nổi cơn tam bành triết lý mà đi nói xấu cái mũ thế này thì ai dám đội mũ nữa : “ Cái mũ của người đội nó / Không che nổi thái độ của họ”…Phải chăng cái mũ và người đội nó là hai việc khác nhau, cớ sao đưa thái độ vào để ghét mũ thế này ?
Thơ với chả thẩn !
Những triết lý vớ vẩn như thế này tràn ngập trong “ Sẹo độc lập” :

“ Khóc / chỉ là bài tiết của dục vọng” ( trang 139)

Thơ thẩn như thế, ai cấm lớp trẻ học theo thứ triết lý kinh dị này khi viết :
“ Cười / chỉ là nôn mửa của khoái lạc” hay : “ mếu / chỉ là trung tiện của đớn đau” ?

Viết đến đây, gần như tôi đã bị tẩu hỏa nhập ma vì thứ thơ tào lao tầm phào của Phan Huyền Thư làm choáng váng ? Tôi bắt đầu nghi ngờ mình không biết cách đọc thứ thư “lỗ thủng” này :

“ Kể từ đó . Mọi người thậm chí có thể /làm tình với nhau qua lỗ thủng là tôi” ( Sẹo độc lập trang 45)

Vậy kính xin các nhà văn nhà thơ trong ban giám khảo giải thưởng văn học hội nhà văn Hà Nội lên tiếng để chỉ giáo cho tôi thẩm được thứ thơ xưng là “tôi – lỗ thủng” đang mời mọi người đến làm tình này. Amen !

Trần Mạnh Hảo.

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Nói được - Làm được


Thuở xưa có một nhà sư sống ẩn dật tại một triền núi, được mọi người xem là đạo cao đức trọng. Một hôm nhà sư tiếp một bà lão cùng cậu con trai của bà. Bà lão thưa:
- Bạch sư thằng bé này mắc phải cái tật là ưa sưu tầm hoa kiểng. Nó đã làm cho tôi tốn hao không biết bao nhiêu là tiền của trong cái thời củi quế gạo châu này… Xin sư làm ơn chữa trị hoặc răn dạy giùm kẻo tội nghiệp cho tôi cùng vợ con nó.
Nhà sư ngẫm nghĩ giây lâu nói:
- Bà hãy dắt nó về khoảng nửa tháng sau trở lại tôi sẽ giúp cho.
Bà lão y lời. Ðến ngày hạn nhà sư chỉ thốt một câu đơn giản:
- Ðó là một thú vui hao tài tốn của con hãy bỏ đi, để tiền mà thờ mẹ nuôi con.
Bà lão bất bình:
- Tưởng thầy có phương cách gì té ra chỉ có bao nhiêu lời đó. Thế sao thầy không làm ơn nói giùm ngay bữa trước mà còn hẹn đến hôm nay? Ðường xá xa xôi biết là bao!
Nhà sư mỉm cười:
- Chẳng giấu gì bà… tôi cũng mắc phải cái tật như cậu nhà đây. Nửa tháng gia hạn là thời gian để tôi bỏ cái cố tật đó. Nay mọi việc đã xong tôi mới dám mở miệng khuyên can cậu em này.
...
Chàng trai từ đó ăn ở rất vừa lòng mẹ.
-st-

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Đầu đông

 ĐẦU ĐÔNG
Một chút Gió ... một chút Mưa
Hanh hanh cái Nắng giao mùa ... Người ơi
Mộng mơ ... Thu cũng qua rồi
Sầu Đông biết đến bao giờ ... Xuân sang

20.11.2012
VN