Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Đi qua mùa thu


Truyện ngắn
Cơ quan có chế độ ưu đãi với những cán bộ sắp hưu trí là tặng họ một chuyến Du lịch tùy chọn trong nước. Ông nhận tờ quyết định và bâng khuâng một lúc. Thế là mình đã già thật rồi, dù có cố gắng chứng tỏ thế nào đi nữa cũng đến lúc phải nghỉ ngơi và nhìn lại. Ông điểm nhanh quãng thời gian công chức miệt mài trong công ty mấy chục năm, từ khi còn là anh kỹ thuật viên non choẹt cho đến khi trở thành một bác Trưởng phòng khả kính hôm nay.
Ông tự thấy mình chưa hề dối trên lừa dưới, chưa làm gì có lỗi với gia đình, bạn bè đồng nghiệp. Thời trẻ còn hăng, có vài lần nóng nẩy xô xát thì cũng bởi đấu tranh với những chướng tai gai mắt, những bất công chung quanh. Cơ quan trải qua mấy đời lãnh đạo, người ưa ông, người không ưa ông, nhưng ông cũng đã khéo léo đối phó để không quá khúm núm cũng không quá căng thẳng khi cộng tác với những vị ấy. Tóm lại, ông là một công chức mẫn cán có một lý lịch trong lành trước khi “hạ cánh”.
Ông muốn đi bộ về nhà, lần đầu tiên ông ngắm từng gốc cây góc phố, từng hàng quán, từng ngôi nhà, thậm chí từng viên đá của cái vỉa hè sứt mẻ trên suốt quãng đường thân thuộc mấy chục năm hối hả đi làm, nó chầm chậm qua như một chương trình tivi muốn hay không muốn thì ngày nào cũng phải xem, và khi nhà đài không phát lại nữa thì lại thấy hụt hẫng.
Vài chiếc lá vàng rụng xuống vai ông, ông chợt thấy có chút gì xao xuyến…À, có lẽ mùa thu năm ấy, một mùa thu đẹp dịu dàng vẫn ẩn nấp trong ký ức ông lại bừng dậy. Phải rồi, cũng lá, cũng thu và người đàn bà ấy, người đồng nghiệp với ông một thời gian, giờ đã chuyển đến sống ở một thành phố khác. Nhưng điều ông không thể quên là việc nàng và ông đã có với nhau một đêm tuyệt vời trong một chuyến công tác.
Ông đã từng lên án gắt gao, thậm chí khinh bỉ những người chồng, người cha có giáo dục vướng vào chuyện ngoại tình và ông không cho phép họ cơ hội giải thích cho hành vi lừa dối những người thân của mình nhưng ông không bao giờ xếp cái đêm bí mật của riêng ông vào cùng một giuộc.
Ông nâng niu cái đêm ấy, ông luôn nhớ về nó khi buồn, khi cô độc và khi bà vợ lắm lời giở chứng. Nhưng chưa bao giờ ông dám nghĩ đến một đêm khác với nàng, ông cũng không giải thích rõ được điều này, có thể bởi ông không muốn cảm giác ăn năn lởn vởn lần nữa, có thể vì ông ngại một điều gì đó rất mơ hồ, có thể ông quá tỉnh táo mà biết rằng chẳng bao giờ có hai đêm giống nhau…? Thật khó hình dung rõ ràng, lý giải rành rọt nhưng không thể phủ nhận được đó là một trong những đêm hạnh phúc nhất cuộc đời ông và chắc rằng ông giữ mãi trong ký ức suốt quãng đời còn lại.
Sau này cũng có vài lần ông vui vẻ bên ngoài sau những cuộc nhậu của cánh đàn ông nhưng tuyệt nhiên dòng xúc cảm ngọt ngào tương tự chưa lần nào được lặp lại. Miên man nghĩ, rồi ông tự hỏi: Tại sao mình không chọn chuyến du lịch cuối cùng này đến thành phố nàng sống nhỉ? Rồi ông lại ngần ngại tưởng tượng ra buổi chạm mặt người xưa… Không biết bây giờ nàng thế nào? Ông sẽ ra sao trong mắt nàng? Có nên gặp lại không, có nên không? Nghĩ đi rồi nghĩ lại, ông thấy mình có phần bạc nhược và thực dụng. Đời khắc nghiệt thật nhưng đâu phải điều gì cũng quá so đo, tính toán? Đến cả điều dịu dàng thăm thẳm ấy mà cũng trăn trở nữa thì liệu ta còn là một nam nhi chân chính hay không?
Tối hôm ấy, ông bảo vợ: “Cơ quan bố trí cho tôi đi nghỉ ở thành phố N mấy hôm, là chuyến du lịch cuối cùng của đời công chức!” Vợ ông che miệng ngáp, nhắc: “Nhớ mang thuốc theo ông nhé” rồi buông màn, đi ngủ.
***
Thành phố N và hiện đại và náo nhiệt nhiều so với những năm trước. Hàng quán mọc nhộn nhịp che khuất cả mặt biển, từng đôi trẻ dập dìu bên nhau khiến ông bùi ngùi… Nhìn nơi nào ông cũng tưởng tượng nàng đã từng đi qua, từng ngắm nhìn… Ông run run bấm vào tên nàng trong điện thoại:
– Alo? – Giọng nàng nghiêm nghị.
– Là anh đây, em có khỏe không?
– Xin lỗi tôi chưa nghe rõ, ai đấy ạ? – Nàng cẩn thận.
– Anh đây, V đây mà.
– Ôi, anh… – Nàng bắt đầu lúng túng. Ông cười:
– Anh đang ở N, có thể gặp nhau không em?
Bên đầu dây im lặng, có lẽ nàng quá bất ngờ hoặc có thể lúc này không tiện lắm. Ông nói nhỏ:
– Anh hiểu. Khi nào tiện, em gọi lại cho anh nhé!
Sau bữa trưa, nàng gọi lại. Ông thấy hồi hộp chẳng khác gì thuở còn đôi mươi, tình cảm lạ lùng thật.
– Anh à… – Giọng nàng dịu dàng – Vợ chồng em mời anh đến nhà dùng cơm tối nay, anh đến nhé!
Ông hơi cụt hứng, nhưng không để lộ qua giọng nói:
– Thế thì hay quá, tối anh sẽ đến.
Tối. Ông ngắm mình trước gương: một người đàn ông đứng tuổi lịch thiệp, gây được cảm giác tin cậy. Ghé vào một cửa hiệu ông chọn hộp bánh quy sang trọng, món quà chung cho cả nhà. Cổng nhà nàng nằm khuất sau cây hoa tím có những chùm hoa rủ xuống kín đáo và lãng mạn, đúng như ông tưởng tượng về nơi nàng ở. Bấm chuông. Đèn sân bật sáng. Một người đàn ông chạc tuổi ông, trán hói, dáng người thấp đậm đi ra. Ông V thấy có chút hồi hộp: là người “đầu gối tay ấp với nàng” đây. Người đàn ông mở cửa, ông nói rành rọt:
– Tôi là V, trước công tác cùng với chị nhà, nhân tiện có chuyến du lịch qua đây nên…
– Vâng, vâng, nhà tôi có nói, mời anh vào – Họ bắt tay nhau.
Căn phòng khách giản dị và ngăn nắp, trên kệ sách sát cửa sổ có đặt một bình thủy tinh cắm những bông cúc vàng làm bằng vải trông y như thật, loại cúc mà ông nhớ là nàng rất thích. Nàng từ trong phòng đi ra, ông thấy tim mình đập nhanh khác thường… Nàng gầy hơn trước một chút, mái tóc uốn những lọn quăn thả trên vai, đôi mắt vẫn đẹp dịu dàng. Nàng cười rất tự nhiên, như hàng ngày họ vẫn gặp nhau, như ông vẫn đến nhà nàng thường xuyên:
– Anh V đến rồi à, em cứ lo không biết anh tìm nhà có khó không, anh uống cốc trà rồi vào dùng cơm tối với nhà em nhé.
Ông thầm cám ơn nàng thông minh, giúp ông bước qua cảm giác bối rối ban đầu. Nhìn chồng nàng xăng xái giúp vợ bưng thức ăn lên, cô gái lớn bày biện ra đĩa, cô gái nhỏ hí hoáy sắp xếp bát đũa trên bàn, ông thấy lòng ấm áp. Nàng có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, thật mừng.
Bữa cơm diễn ra ngon miệng, vui vẻ, chủ nhà và khách chuyện trò thoải mái, thỉnh thoảng pha chút dí dỏm. Rượu được rót ra và họ cụng ly. Nàng cũng nhấp môi và thoáng chôc, đôi má ửng hồng của nàng làm ông xao xuyến. Nhìn đôi tay nhỏ nhắn của nàng, ông liên tưởng đôi tay ấy đã ghì chặt ông nồng nhiệt, nhìn đôi môi đang cười của nàng, ông lại nhớ đến nụ hôn nghẹt thở cuống quít, nhìn đôi mắt nàng mơ màng, ông lại nhớ đến hàng mi khép hờ đắm đuối đêm nao… Có lẽ rượu đã dần đưa ông về giấc mơ bí mật ngọt ngào… Ông nhìn qua người đàn ông hói trán, thấp đậm đang vô cùng mãn nguyện với buổi gặp gỡ mà chợt buồn lạ kì… buồn muốn khóc… Hạnh phúc là gì thế? Nó có thật không? Thật đến mấy phần trăm? Người ta phải mất bao nhiêu thứ để nhận lấy một sự bình yên, sự bình yên đơn điệu của kiếp người?
May mắn là cũng đã khá muộn, bữa cơm rồi cũng đến hồi kết thúc, mọi thủ tục cần làm cũng đã làm xong: hỏi thăm, khen ngợi, cám ơn, hẹn gặp lại… Ông bắt tay ông bà chủ nhà tốt bụng và xin phép ra về. Ông chồng lịch sự để vợ tiễn đồng nghiệp cũ ra cửa. Đi bên nàng một đoạn đường ngắn ngủi, ông chỉ có thể nói:
– Anh cám ơn vợ chồng em. Anh sẽ không bao giờ quên em được.
Không dám nhìn nàng, nhưng ông cảm giác rằng nàng đang cố nén những giọt lệ giấu kín từ nơi sâu thẳm, xa xôi mà gụi gần… Nàng vẫn im lặng, chỉ khi nàng từ từ mở cánh cổng sắt sơn màu xanh sẫm ẩn dưới những chùm hoa tím, cánh cổng tạo nên một âm thanh rên rỉ, buồn bã, nàng mới ngước đôi mắt đẹp và trầm buồn lên nhìn ông, rồi nàng nói:
– Em đã quên tất cả. Mỗi ngày qua em đều thấy ăn năn với gia đình. Mong anh tha lỗi cho em.
Ông không nhớ mình đi bộ thế nào suốt quãng đường về khách sạn, rồi như một cái máy, ông gom vội tất cả đồ đạc vào chiếc vali, khóa lại cẩn thận và mong đêm qua thật mau để sáng mai rời N sớm. Ông ngủ một giấc không mộng mị. Ngoài cửa sổ, mùa thu đang dần dần đi qua…

Vũ Thanh Hoa

Quyền bình đẳng

“ Tôi bắt đầu tin mọi con người đều có quyền bình đẳng. Đó là thứ khó khăn nhất có thể đạt được ”  
- Lý Quang Diệu -

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Phạm sai lầm

PHẠM SAI LẦM
Một người đàn ông lảo đảo đi vào phòng cấp cứu ở một bệnh viện với hai mắt bầm tím. Bác sĩ hỏi ông ta chuyện gì đã xảy ra.
- Chuyện là thế này - Người đàn ông kể lại - Tôi đang chơi gôn với vợ tôi, lúc ấy cô ta đánh quả banh xoáy bay vào một cánh đồng nơi những con bò đang gặm cỏ. Vợ tôi đi tìm quả banh trong khi tôi sục sạo chung quanh thì để ý thấy một con bò có cái gì đó trắng trắng gần dính ở mông của nó. Tôi tiến đến gần và nhấc cái đuôi con bò lên và trông thấy quả banh gôn của vợ tôi… dính ngay ở giữa mông con bò… Đó chính là khi tôi phạm sai lầm…
- Ông đã làm gì? - bác sĩ hỏi.
- Tôi nhấc đuôi con bò lên và gọi vợ: "Này Annie, cái này trông giống của em đấy!"

-st-

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Theo dòng … “ cây xanh ”

Ối Zàng ơi…!

Với tất cả những gì đã từng xẩy ra ... đã từng gây không ít ồn ào ...đã từng chìm như xuồng ... đã từng hoá ra như bùn...thì cái chiến dịch  ( " cây xanh  " - gọi tên thế nghe cho nó nhã ) theo mô típ phá cũ - thay mới, tu sửa, bảo tồn chả cần phải theo nguyên trạng vừa bị dư luận chỉ mặt điểm tên như thế này không có gì là đáng ngạc nhiên và bất ngờ cả. Người ta có thể trùng tu Chùa trăm Gian hàng nghìn năm tuổi trông  “ oách ”như mới...hô biến một cái Thành từ tít tận thời nhà Mạc giờ … hao hao cái lò gạch ...hay xây luôn lại cái cổng Thành Sơn Tây cho nó mô đéc…và còn nhiều ..nhiều nữa ... Nhiều đến cái mức mà có vị cựu uỷ viên Hội nhà văn phải than vui vui rằng " Sẽ chẳng cần phải quá lo lắng về thực trạng trùng tu các di tích lớn nữa đâu, vì cứ đà này sẽ chẳng còn nơi nào gọi là di tích để mà lo lắng nữa…” . Đến cả những bảo vật tầm cỡ Quốc Gia mà không một ai - dù tài giỏi đến đâu có thể tìm lại được, làm lại được…cũng còn phải chịu cái kết cục như vậy ... thì cái việc “ cưa ,chặt ” bé cỏn con thế kia có thấm tháp vào đâu. Điều đáng quan ngại ở đây không thuộc về bản chất  của cái chiến dịch  này ... mà kinh ở chỗ nó lại được triển khai khá rầm rộ , một cách công khai tại ngay chính giữa Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị và văn hoá của cả nước ... nơi vẫn được mệnh danh là Thủ đô của ngàn năm văn hiến. Giá nó xẩy ra ở đâu đó xa xa một chút...ở một cái  huyện nào đó...một cái tỉnh khuất nẻo nào đó thì cũng không có gì lấy làm ghê gớm cho lắm. Sự việc này cho thấy  cái gọi là " dư luận " hay " dân luận " càng ngày càng bị xem thường . Chả thế mà nghe nói có vị phó ban bên Thành uỷ đã bật mí thế này : " Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì...Không phải hỏi gì cả..." Nghe ra kể cũng có lý ... Dân là cái thằng đếch nào mà phải hỏi, mà có hỏi thì nó cũng biết cái đếch gì mà trả lời... Việc nhớn Quốc gia đã có người nhớn .. Đại nhân ...người chuyên gia họ lo ...đâu phải mượn đến ý kiến, ý cò của cái anh được gọi là dân này. Càng nghe nhiều, xem nhiều , mình càng đâm ra lẩn thẩn , cứ ngẫm... Cứ nghĩ ... Rồi lại cứ lăn tăn ...Chả  hiểu liệu cái anh cu " dân " theo cách nói của bác phó quan Thành Uỷ - và cái người anh em  " Dân " vẫn thường nghe thấy bảo có nhiều quyền to to lắm ở tận trong hiến pháp í , có quan hệ họ hàng thân thích gì với nhau hay không?... Rồi lại còn cả cái anh " Dân " đa di năng : vừa cả biết...vừa cả bàn...lại vừa làm ..còn kiêm thêm kiểm tra nữa ... mà mình đã từng nom thấy nó …vàng vàng, đo đỏ ở trên tường một vài cơ quan nào đó ... là cái anh được chui từ đâu ra ...? ...Đến chịu mất thôi ! Cũng may ...nhân cái chiến dịch " cây xanh " này , ít ra mình cũng có thêm đôi chút kiến thức về " lâm thảo học " . Giờ ... hễ cứ nghe nhắc đến " vàng tâm " - mình hiểu luôn đó là gỗ mỡ, mà cứ nghe ở đâu nói " mỡ " - đấy  chính là tên gỗ vàng tâm. 

23/3/2015
Van Ngan

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Đã lâu rồi em không làm thơ nữa


Đã lâu rồi em không làm thơ nữa
Về những cơn mưa
Ướt cả lối em về
Những hàng cây không biết tên
Nở hoa vàng góc phố
Và cỏ dại trong vườn
Vỡ vụn sương khuya

Dường như ai búng dây đàn
Tiếng guitar khô gầy căn gác gỗ
Và gió
Gió của chiều lùa qua cửa sổ
Lật những câu thơ em viết thuở mười ba
Những bài thơ đầy cỏ và hoa
Em bíu tay vào cửa
Tiếng chim rớt sau nhà...

Em đứng cuối đường chờ mùa đi qua
Chờ hoài không thấy
Chợt như ai gọi tên
Em ngoái đầu nhìn lại
Chẳng có ai
Mà đường về  hun hút xa...

Trong giấc mơ
Những bài thơ hóa thành con bướm ma
Bay mất
Giữa khuya giật mình tỉnh giấc
Nghe tiếng còi tàu buồn như những ngày xưa
Mới thảng thốt nhận ra
Đã lâu rồi em không làm thơ nữa..


Ngô Thị Giáng Uyên