Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2025
NGÀY CHIẾN THẮNG
Ngày Chiến thắng đã cách xa chúng ta,
Như những nét chì màu tan đi trong lửa đạn.
Có những dặm đường, bụi đất bị thiêu đốt.
Đó là ngày chúng ta thần tốc tiến lên.
Ngày Chiến thắng.
Vẫn phảng phất đâu đây mùi thuốc súng.
Đó là ngày lễ,
Với những mái tóc pha sương trong các nghĩa trang.
Đó là niềm vui,
Với những giọt lệ ướt đầm trong khóe mắt.
Ngày Chiến thắng!
Ngày Chiến thắng!
Ngày Chiến thắng!
Ngày và đêm trong lửa lò nóng bỏng.
Tổ quốc không một ngày ngủ được.
Ngày và đêm của những trận đánh khó khăn.
Đó là ngày chúng ta thần tốc tiến lên.
Xin chào Mẹ. Không phải tất cả chúng con đều được trở về ...
Để chân trần nhảy múa trong sương sớm!
Cuộc hành quân qua một nửa Châu Âu, nửa vòng quả đất.
Đó là ngày chúng ta thần tốc tiến lên.
Ngày Chiến thắng.
Vẫn phảng phất đâu đây mùi thuốc súng.
Đó là ngày lễ,
Với những mái tóc pha sương trong các nghĩa trang.
Đó là niềm vui,
Với những giọt lệ ướt đầm trong khóe mắt.
Ngày Chiến thắng!
Ngày Chiến thắng!
Ngày Chiến thắng!
Nguồn Việt dịch: Anh Thư
Thứ Tư, 7 tháng 5, 2025
Là những người quân qua bến làng..
Là những người quân qua bến làng
Hoa nhài thơm ngõ đượm quân trang
Lớp này lớp khác người sang hết
Thuyền lại nằm phơi dưới nguyệt vàng.
Thứ Ba, 6 tháng 5, 2025
Tốt đẹp cả ... nhỉ
Tốt đẹp cả ... nhỉ
" Tốt đẹp cả nhỉ "
Hành Giả Minh Tuệ
Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2025
Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2025
Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2025
Thứ Năm, 1 tháng 5, 2025
Chừng nào ...
" Chừng nào con người còn vươn lên thì còn lầm lạc.
" Chừng nào con người còn vươn lên thì còn lầm lạc. Con người trưởng thành trong bi kịch, trong sự lầm lạc, để cuối cùng nhận ra giá trị cuộc sống là sống vì cộng đồng, vì người khác "
JW Goethe
Quang Chiến dịch
Mây núi nào không bay cạnh núi,..
Mây núi nào không bay cạnh núi
Sóng nào chẳng ở chốn xa khơi
...
Tử sinh đừng hỏi, kẻo phí lời.
Thời tiết, nhân duyên vốn tại trời.
Mây núi nào không bay cạnh núi,
Sóng nào chẳng ở chốn xa khơi
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Thứ Tư, 30 tháng 4, 2025
Tiếng Việt
TIẾNG VIỆT
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.
Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.
“Đá cheo leo trâu trèo trâu trượt...”
Đi mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.
Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.
Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.
Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.
Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.
Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.
Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Điều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Nhớ quặn lòng tiếng Việt tái tê
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.
Lưu Quang Vũ
Thống Nhất
“ Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về ”
- Lưu Quang Vũ -
THỐNG NHẤT
Đất nước đã thống nhất được 40 năm, non sông dù chưa tròn vẹn nhưng cũng coi như đã thu về một mối. Vậy mà dân dộc ta vẫn còn phải đợi thêm gần 15 năm sau ngày thống nhất mới thực sự được tận hưởng cái ân huệ của một nền hoà bình đúng nghĩa. Chiến tranh đã qua đi, và hậu quả của nó thì chưa biết đến tận bao giờ mới thôi nhức nhối. Những đau thương, mất mát, những hờn oán, chia rẽ vẫn còn đeo đẳng đến tận hôm nay. Vào cái thời khắc lịch sử ngày 30 - 4 - 1975, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh độc lập, cũng là lúc đặt dấu chấm hết cho sự ngăn cách hơn 20 mươi năm giữa hai bờ con sông Bến Hải. Cái ranh giới về địa lý thì đã được xoá bỏ kể từ lúc đó, nhưng sự chia rẽ trong tâm hồn của những người con, vốn từng mặc khác mầu áo lính thì chưa hẳn đã thực sự chấm dứt .
Nhìn nhận về dấu ấn lịch sử năm 1975 luôn luôn là một chủ đề gây nhiều tranh luận, nhiều quan điểm trái chiều. Nhưng có một sự thật chắc chắn là với hầu hết những con người có lương tri - dù đứng ở bên nào trên cái dải đất hình chữ S này, đều không hề mong muốn có chiến tranh. Chiến tranh dù là với danh nghĩa gì, thì nó cũng sẽ mang theo bao nhiêu điều tồi tệ.
Người ta thường ủng hộ một cuộc chiến tranh hay một đội quân vì nó được mang danh chính nghĩa. Chính nghĩa hay không chính nghĩa là bởi do cái động cơ, cái mục đích của nó ra sao, hay nó mang ý nghĩa như thế nào. Thường thì các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, giải phóng dân tộc hay giải phóng các dân tộc bị áp bức, nô dịch... đều được coi là chính nghĩa. Nhưng cũng có những đội quân, những cuộc chiến mang danh chính nghĩa, mục đích chính nghĩa ... nhưng cách thức tiến hành thì lại xa rời chính nghĩa, và các chuẩn mực nhân đạo. Sự khác biệt này thường có nguyên nhân từ các tư tưởng cực đoan về sắc tộc, tôn giáo hay chính trị... hoặc bắt nguồn từ những Quốc gia lạc hậu, và kém phát triển.
Có một thực tế không thể phủ nhận – đó là mục tiêu giải phóng Miền Nam - thống nhất Tổ Quốc của Miền Bắc là một mục tiêu chính nghĩa. Không một Quốc gia nào trên thế giới này, lại chấp nhận để mặc lãnh thổ của mình bị Người Ta xâm lược, rồi bị đem chia năm, xẻ bẩy ra cả. Nước Nga cũng vậy và nước Mỹ cũng thế thôi ... đó là một sự thật hiển nhiên.
Thử nhìn lại lịch sử Việt Nam từ trước Cách mạng tháng tám năm 1945 cho đến khi có sự can thiệp chính thức của người Mỹ - được coi là bắt đầu vào năm 1964, khi những nhóm quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ lên đất cảng Đà Nẵng … chúng ta sẽ thấy điều gì?
Chúng ta sẽ thấy Tổ Quốc ta, dân tộc ta bị xâm lăng, bị đô hộ bởi thực dân Pháp từ tận những năm cuối thế kỷ 18.
Chúng ta sẽ thấy nhiều phong trào, nhiều cuộc khởi nghĩa xẩy ra … rồi Cách mạng tháng tám bùng nổ với cùng một mục đích là đánh đuổi giặc ngoại xâm và giải phóng dân tộc … cũng giống như mọi dân tộc bị xâm chiếm và đô hộ khác mà thôi.
Chúng ta sẽ thấy một nhà Nước Việt Nam dân chủ vừa mới kịp khai sinh đã lại tiếp tục bị cuốn ngay vào vòng binh lửa khốc liệt.
Chúng ta sẽ thấy sự tráo trở của Người Pháp, ( sự tráo trở vốn dĩ rất quen thuộc của kẻ mạnh )được sự ủng hộ từ các đồng minh thân cận đã quay ngay trở lại xâm lược Đất Nước ta.
Chúng ta sẽ thấy 9 năm kháng chiến cực kỳ gian khổ của một cuộc chiến tranh nhân dân thực sự chính nghĩa mà kết quả của nó mới chỉ đem lại độc lập cho một nửa Đất Nước.
Chúng ta cũng sẽ thấy rất rõ ràng rằng - chính quyền Miền Nam khi đó - dù theo thể chế gì đi chăng nữa cũng chỉ là hệ quả từ một quá khứ đô hộ của người Pháp … của cái hiệp định Genève … của sự phân chia từ những Quốc gia hùng mạnh đang nắm quyền chi phối. Và lẽ tất nhiên, chính quyền đó phải lệ thuộc và chịu sự thao túng của Người Pháp ( kẻ xâm lăng, kẻ mạnh tráo trở, kẻ đã tạo ra nó …) và sau đó tiếp đến Người Mỹ - một đồng minh thân cận của Pháp, vừa cùng một phe lại vừa cực kỳ hùng mạnh.
Điểm lại một vài sự kiện quan trọng của lịch sử, chúng ta sẽ thấy việc tiếp tục phát động chiến tranh giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc là hệ quả tất yếu của quá trình đấu tranh gian khổ nhằm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Đây là phần tiếp theo của một quá trình đang còn dang dở … một cuộc chiến tranh giải phóng mang chính nghĩa rõ ràng. Đây không thể coi là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.
Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng - việc miền Bắc tiếp tục phát động chiến tranh giải phóng là không còn chính nghĩa nữa ... vì nếu hiệp định Genève được tuân thủ, sớm hay muộn thì hai miền sẽ được thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử. Nhưng đó chỉ là những ý kiến phiến diện, thiếu khách quan, và phi lịch sử, vì rõ ràng trên thực tế - tổng tuyển cử đã không xẩy ra ... và chẳng biết đến bao giờ nó sẽ xẩy ra. Cũng thật dễ hiểu khi chính quyền miền Nam khi đó không hề mong muốn tổ chức tổng tuyển cử, vì họ đang đại diện cho dã tâm và các lợi ích của người Pháp. Mà với diễn biến tình hình vào thời điểm đó – họ không nắm được đa số … họ sẽ thất bại. Và cùng với nó là việc người Pháp phải cuốn gói, phải sớm từ bỏ mọi quyền lợi trên mảnh đất cựu thuộc địa này. Cũng không quá khó để mà lý giải cho quyết định này của lãnh đạo miền Bắc, vì trên cương vị những người đứng đầu - Họ sẽ phải nghĩ đến quyền lợi của cả một dân tộc, một Quốc gia, hay một thể chế chính trị ...
Điều này có thể sẽ khác với quan điểm trên bình diện chung của nhiều người dân. Thường nhân chúng ta có thể sẽ cho rằng - cần gì phải dùng đến súng đạn, bạo lực cách mạng … cứ để như Triều Tiên có phải tốt hơn không ?... rồi ... rất có thể Họ sẽ được thống nhất bởi một diễn biến hòa bình giống như nước Đức vào một lúc nào đó ... thì sao?
Nhưng đó cũng chỉ là những ý kiến vuốt đuôi mà thôi ! ... vì khi sự việc nó đã xẩy ra rồi thì không khó khăn lắm để tìm ra được những quyết sách cho đúng đắn và hợp lý. Chúng ta thống nhất từ năm 1975 còn nước Đức phải đợi đến tận năm 1990 mới tái thống nhất. Và nước Đức thì khác quá xa so với Việt Nam.
Hãy nhìn sang Triều Tiên mà xem !... biết đến tận ngày nào ? ... bao giờ ? ... dân tộc của Họ mới thoát ra khỏi tình trạng đối đầu căng thẳng ... mới có thể loại bỏ được hoàn toàn mối nguy cơ về một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Chiến tranh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào ... liệu nó có xẩy ra không ? ... hay một cuộc tổng tuyển cử trong hoà bình đang đợi Họ ở phía trước ? ... ai mà dám chắc !
Lịch sử là vậy, và nó đã diễn ra như vậy dù chủ quan ... có thể ta không hề mong muốn nó xẩy ra như vậy.
“ Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại ”
- Nguyễn Duy -
Nghỉ lễ Tháng 5 năm 2015
Ảnh: Thomas Billhardt, phóng viên chiến trường nổi tiếng của CHDC Đức
Thứ Ba, 29 tháng 4, 2025
Thứ Hai, 28 tháng 4, 2025
Lựa ... chọn
LỰA ... CHỌN
Tôi không chống lại thành công .. tôi không ủng hộ, tôi không phản đối. Tôi nói rằng hãy là mẩu gỗ trôi dạt - bất cứ điều gì xảy ra, hãy để nó xảy ra. Đừng đưa ra sự lựa chọn của riêng bạn.
Bất cứ điều gì đến trên con đường của bạn, hãy chào đón nó. Đôi khi là ban ngày, đôi khi là ban đêm; đôi khi là hạnh phúc, đôi khi là bất hạnh. Bất cứ điều gì xảy đến, bạn hãy cứ vô chọn lựa, bạn chỉ đơn giản chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra trong mọi hoàn cảnh. Đây là những gì tôi gọi là phẩm chất của một thực thể tâm linh. Đây là những gì tôi gọi là ý thức tôn giáo. Nó không ủng hộ hay chống đối bởi vì nếu bạn ủng hộ, bạn sẽ chống đối; nếu bạn chống đối, bạn sẽ ủng hộ. Và khi bạn ủng hộ hoặc chống đối điều gì đó, bạn đã chia sự tồn tại của bạn làm hai. Bạn có một sự lựa chọn, và sự lựa chọn là địa ngục. Không có sự lựa chọn là thoát khỏi địa ngục.
Hãy để mọi thứ thuận tự nhiên. Cứ tiếp tục di chuyển, tận hưởng bất cứ điều gì có thể. Nếu thành công, hãy tận hưởng nó. Nếu thất bại, hãy tận hưởng nó. Thất bại cũng mang lại một vài niềm vui mà không thành công nào có thể mang lại. Thành công cũng mang lại một vài niềm vui mà không thất bại nào có thể mang lại. Khi một người không có ý tưởng nào của riêng mình, thì người đó có khả năng tận hưởng mọi thứ, người đó có khả năng tận hưởng bất kể điều gì xảy ra. Nếu người đó khỏe mạnh, người đó tận hưởng sức khỏe; nếu người đó ốm, người đó nằm trên giường và tận hưởng bệnh tật. Bạn đã bao giờ tận hưởng bệnh tật chưa? Nếu bạn chưa tận hưởng nó, bạn đang bỏ lỡ rất nhiều. Chỉ cần nằm trên giường không làm gì cả, không lo lắng về thế giới và mọi người quan tâm đến bạn, bạn đột nhiên trở thành một vị vua - mọi người đều chú ý, lắng nghe, yêu thương. Bạn không có gì để làm, không một nỗi lo lắng nào trên thế giới. Bạn chỉ đơn giản là nghỉ ngơi. Bạn lắng nghe tiếng chim hót, bạn nghe nhạc, hoặc bạn đọc một chút và ngủ thiếp đi. Thật tuyệt vời. Nó có vẻ đẹp riêng của nó. Nhưng nếu bạn có ý tưởng rằng mình phải luôn khỏe mạnh, thì bạn sẽ rất đau khổ.
Khổ đau đến vì chúng ta lựa chọn. Hạnh phúc đến khi chúng ta không lựa chọn.
Thầy Osho
Trích: "Kỷ Luật Của Siêu Việt"
Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2025
Ai xui con cá đớp mồi ...
Ai xui con cá đớp mồi
...
Ai xui con cá đớp mồi
Ai xui ông Phỗng ra ngồi trời mưa
Ở đời lắm sự cũng khờ
Làm người biết đến bao giờ .. cho Khôn
Ca dao
Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2025
Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2025
Thứ Hai, 21 tháng 4, 2025
Ngón tay chỉ .. Trăng
NGÓN TAY CHỈ .. TRĂNG
Những vị Phật Độc Giác đâu có đọc kinh điển nào mà vẫn giác ngộ Chân Lý. Pháp có sẵn trong mỗi người và ở khắp mọi nơi, cho nên qua trải nghiệm nhân duyên của các pháp, ai thấy ra sự thật thì người đó có thể giác ngộ chứ không nhất thiết phải học từ Kinh Điển. Đức Phật nói rằng ở đâu có Bát Chánh Đạo thì ở đó có bậc thánh. Ai sống biết quan sát, khám phá ra sự thật tức có chánh kiến, chánh kiến khởi đầu một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi. Cho nên trong mười nhân sinh phước, phước cuối cùng là phước điều chỉnh nhận thức từ tà kiến đến chánh kiến, qua trải nghiệm thực trong cuộc sống, chứ không phải qua Kinh Điển. Kinh Điển trung thực nhất chỉ mang tính khai thị hoặc gợi ý cho mỗi người tự khám phá sự thật, do đó việc chính là tự trải nghiệm để khám phá mới được, nếu lệ thuộc vào Kinh Điển quá thì có thể biến Kinh Điển thành chướng ngại cho sự khám phá sáng tạo. Do đó người xưa nói “Tận tín thư bất như vô thư” là vậy.
Thật ra Kinh Điển vô tội, sai lầm là ở chỗ người sau biến thành hệ thống giáo điều, nặng phần ngữ nghĩa mà hình thành tư tưởng, quan niệm và cố chấp vào nhận thức của mình mà gán cho kinh điển để củng cố quan điểm của mình. hệ chú giải của các luận sư, hệ giáo điều của những nhà thần học đã phản lại ý nghĩa đích thực rất giản dị của Phật, của Chúa. Vì vậy nếu không trực nhận sự thật ngay đây và bây giờ thì coi như đánh mất chân lý đang hiện diện ở khắp mọi nơi.
Thầy Viên Minh
Trích: " Soi Sáng Thực Tại "
Chính từ sách ..
Đọc sách văn học sẽ giúp chúng ta trở nên thông minh và tốt tính hơn.Việc đọc một " nội dung sâu sắc " giống như luyện tập cho bộ não khỏe mạnh, giúp chúng ta dễ dàng thấu hiểu, cảm thông đối với những người xung quanh.
Những tranh cãi xoay quanh việc sách văn học có thực sự giúp cải thiện con người hay không từ lâu đã trở thành đề tài tranh cãi của những nhà tâm lý học phương Tây - những người luôn đòi hỏi phải có bằng chứng xác thực cho mọi kết luận.
Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2025
Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2025
Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2025
Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025
Thứ Tư, 16 tháng 4, 2025
Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025
Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2025
Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025
Nhưng rất mau .. quên
NHƯNG RẤT MAU .. QUÊN
Khi một cơn động đất xảy ra, mặt đất mà ta từng tin là vững chắc bỗng trở nên bất an, những bức tường kiên cố mà ta từng nương tựa bỗng vỡ vụn. Trong khoảnh khắc, mọi thứ mà con người đã dày công xây dựng hàng chục năm có thể sụp đổ chỉ trong vài giây. Cảnh tượng ấy khiến ai cũng kinh hoàng, ai cũng chấn động, ai cũng nhói lòng trước những mất mát đột ngột. Trong giây phút đó, câu nói “Vô thường quá!” - “Đời thật vô thường” vang lên từ cửa miệng của rất nhiều người. Chúng ta cảm thấy cuộc đời thật mong manh, con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Nhưng rồi, .. chúng ta lại quên.
Chúng ta quên rằng, không chỉ có trận động đất này mới là vô thường. Không chỉ có những tòa nhà đổ sập mới là vô thường. Không chỉ có những con người bị chôn vùi dưới đống đổ nát mới là vô thường.
Toàn bộ cuộc sống này là vô thường.
Từng hơi thở ta hít vào rồi thở ra, từng sợi tóc ta rụng xuống, từng ngày trôi qua trên lịch… tất cả đều đang chuyển biến, đều đang đổi thay, đều đang đi vào hoại diệt. Nhưng vì sự đổi thay này quá chậm, quá nhỏ, quá thường nhật, ta không nhìn thấy, không cảm nhận được. Và ta lầm tưởng rằng thế giới này vẫn đứng yên, cuộc đời này vẫn như cũ.
Chỉ khi một biến cố lớn xảy ra - như một trận động đất, một cơn bão, một mất mát đột ngột .. ta mới sững sờ nhận ra sự thật này. Nhưng ngay sau đó, khi mọi chuyện qua đi, ta lại tiếp tục ... lãng quên.
Vô thường không phải chỉ để nói lên khi ta xúc động. Vô thường là sự thật mà ta cần thấy rõ trong từng giây phút của đời sống. Nếu chỉ trong cơn biến động ta mới nhớ đến vô thường, thì ta vẫn chưa thực sự hiểu vô thường. Hiểu vô thường là thấy được nó ngay trong từng hành động nhỏ nhặt hàng ngày, ngay trong từng sát-na trôi qua, ngay trong chính thân tâm mình.
Nếu tâm ta chấp trước vào những gì ta tưởng là “vững chắc”, thì khi vô thường xảy đến, ta sẽ khổ đau. Nhưng nếu ta biết rõ bản chất của thế gian này, thì ngay cả khi đất trời rung chuyển, tâm ta vẫn có thể an nhiên.
Nếu một người thực sự hiểu vô thường, họ sẽ không hoảng loạn khi chứng kiến những đổ vỡ, mất mát xảy ra. Họ sẽ không bị cuốn theo nó, không chìm đắm trong khổ đau. Họ sẽ thấy rõ rằng, đây chỉ là một biểu hiện của quy luật vốn có từ muôn đời.
Trận động đất vừa xẩy ra không chỉ đơn thuần là một thảm họa thiên nhiên. Nó là một hồi chuông cảnh tỉnh giúp ta thấy rõ bản chất mong manh của đời sống. Bản chất của thế gian không phải là thiên tai hay bình yên, không phải là mất mát hay thành tựu, mà là sự vận hành bất tận của duyên sinh, duyên diệt. Mọi hiện tượng chỉ là sóng trên đại dương vô thường. Khi ta chấp vào một con sóng, ta khổ đau vì nó đến và đi. Nhưng khi ta thấy được bản chất của đại dương, ta không còn bám chấp vào từng con sóng riêng lẻ nữa.
Vậy nên, đừng đợi đến khi thảm họa xảy ra mới quán chiếu về vô thường. Đừng đợi đến khi mất đi một điều gì đó mới nhận ra rằng ta đã bám chấp vào nó quá nhiều. Hãy để mỗi ngày sống là một ngày nhắc nhở bản thân rằng:
Thứ ta có hôm nay, ngày mai có thể mất.
Thứ ta yêu quý hôm nay, ngày mai có thể không còn.
Thứ ta xem là “của mình” hôm nay, thực ra chỉ là tạm có.
Thấu triệt điều này không có nghĩa là bi quan, mà là sống tỉnh thức, buông bỏ chấp thủ, và trân quý từng giây phút trôi qua.
Hãy nhớ rằng, không ai có thể ngăn cản vô thường, nhưng chúng ta có thể chọn cách đối diện với nó.
Hãy để vô thường trở thành ngọn đèn soi đường, không phải chỉ là một lời cảm thán nhất thời. Một người hiểu vô thường không phải là người chỉ nói về nó, mà là người biết sống trọn vẹn với nó.
Khi biết rõ tất cả là vô thường, ta không luyến tiếc những gì đã mất, cũng không quá vui mừng khi đạt được điều gì.
Khi hiểu sâu về vô thường, ta trân trọng hơn từng hơi thở, từng ngày đang sống, từng khoảnh khắc của hiện tại.
Khi thấu triệt vô thường, ta không hoảng loạn khi đối diện cái chết, vì ta biết rằng - ta chỉ đang đi trên một lộ trình vốn luôn đầy biến số bởi nghiệp quả và nhân duyên.
Nếu ta tích lũy thiện nghiệp qua Bố Thí - Trì Giới - Hành Thiền, thì ngay cả khi vô thường đến, ta vẫn an nhiên, vẫn ung dung bước đi trên con đường của mình, không hối tiếc, không bám víu, không hoảng loạn. Và khi ấy, ngay giữa dòng đời vô thường này, ta tìm thấy sự vững chãi nơi .. chính tâm mình.
"Thật vô thường các hành, có sinh ắt có diệt; sinh rồi liền diệt ngay, sự diệt ấy là an lạc "
Hãy để lời dậy này của Đức Phật không chỉ là một câu chữ đọc lên khi xúc động, mà là kim chỉ nam cho đời sống của chúng ta.
Theo Thiền sư Ottamathara
* photo : động đất ở Myarma
Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025
Ngày ấy đâu rồi, ...
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi
Ngày ấy đâu rồi
Ngày ấy đâu rồi
Từ Huy
* Nguồn Clips: Conikal.
Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025
Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025
Hùng Vương qua .. cổ sử
HÙNG VƯƠNG QUA .. CỔ SỬ
Lịch sử của người Việt về thời kỳ Hùng Vương ban đầu vốn chỉ được lưu truyền trong văn hóa dân gian thông qua phương thức truyền miệng từ đời này qua đời khác cho đến thời nhà Trần mới được biên chép thành văn bản. Cổ sử Trung Hoa cũng có ghi lại về địa danh Giao Chỉ và những người đứng đầu ở đó được gọi là Hùng Vương, Hùng Hầu, Lạc Vương, Lạc Hầu .. cho thấy thời kỳ này thực sự tồn tại.
Đại Việt Sử Lược đời Trần có ghi: " Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước Công Nguyên) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương (có bản dịch là Đối Vương, 碓王)."
Sách Thái Bình Quảng Ký, thời Tống, dẫn Nam Việt Chí (Lưu Tống, 420 – 479) khoảng thế kỷ V chép: “Đất Giao Chỉ vốn màu mỡ, di dân tới sống ở đó, (dân) mới bắt đầu biết gieo trồng, đất vùng ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh, cho nên gọi ruộng ấy là Hùng Điền, dân vùng ấy gọi là Hùng Dân. Quân trưởng gọi là Hùng Vương. Có phụ tá là Hùng Hầu, chia đất cho các Hùng Tướng..”
Cựu Đường Thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN) dẫn Nam Việt Chí (Lưu Tống 420 – 479) cũng chép: “Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ..” (Tích Dã dịch )
Thủy Kinh Chú, Diệp Du Hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao Châu Ngoại Vực Kí chép: “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh..” (Tích Dã dịch )
Sử Kí, Nam Việt Liệt Truyện, Sách Ẩn (Đường – Tư Mã Trinh soạn) dẫn Quảng Châu Kí chép: “Quận Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc Vương – Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Tha đánh phá An Dương Vương..”
...
Nguồn tổng hợp
Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025
Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025
Họ thích tôi ..
HỌ THÍCH TÔI ..
"Việt Nam: những nhà đàm phán tuyệt vời, những con người tuyệt vời, họ thích tôi. Tôi thích họ. Vấn đề là họ tính chúng tôi 90%. Chúng tôi sẽ tính họ mức thuế 46%," ông Trump nói khi công bố mức thuế đối với Việt Nam vào rạng sáng 3/4 giờ Việt Nam.
...
📷Getty Images/BBC
Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ..
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ .. ngày qua
...
MỘT CÕI ĐI VỀ
Bao nhiêu năm rồi, còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh, cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta, đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm, một cõi đi về
Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ .. ngày qua
Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu, nghe chân ngựa về .. chốn xa
Mây che trên đầu, và nắng trên vai
Đôi chân ta đi, sông còn ở lại
Con tinh yêu thương, vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta, hiện bóng con người
Nghe mưa nơi này, lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên, chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao, là chốn quê nhà
Đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non, một bờ mộng mị .. ngày xưa
Từng lời tà dương, là lời mộ địa
Từng lời bể sông, nghe ra từ độ .. suối khe
Trong khi ta về, lại nhớ ta đi
Đi lên non cao, đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian, chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu, thổi suốt .. xuân thì.
Hôm nay ta say, ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây, lại tiếc .. xuân thì.
Trịnh Công Sơn
" Một Cõi Đi Về " là một ca khúc khá đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ông sáng tác vào khoảng năm 1974, nhưng mãi đến tận năm 1980 mới được phổ biến. Nữ danh ca Khánh Ly trong một cuộc trò chuyện đã kể lại kỷ niệm về lần bà gặp Trịnh Công Sơn tại Huế trước khi sang Mỹ định cư, đồng thời có những tiết lộ khá thú vị về nhạc phẩm đặc biệt này: “Đó cũng là lần đầu tiên, ông Sơn dạy cho tôi hát ca khúc ' Một Cõi Đi Về '. Ông ấy nói với tôi rằng, mỗi con người sinh ra ai cũng có một cõi để đi về. Nên khi còn rất trẻ, ông ấy đã viết 'Phôi Pha', trong đó có câu “Thôi về đi, đường trần đâu có gì, tóc xanh mấy mùa” để rồi sau này, ông lại viết “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Vì hoàn cảnh đặc biệt sau đó, Khánh Ly vội vã rời Việt Nam, còn Trịnh Công Sơn thì quay cuồng với những biến cố ở trong nước, mãi đến năm 1980 âm nhạc của ông mới dần được trở lại nhờ sự can thiệp của ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là bí thư thành ủy). Từ đó bài " Một Cõi Đi Về " mới có dịp được công chúng biết tới.
Ông từng tâm sự rằng:
“ Đây là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích thật rõ ràng thật khó. Khi tôi gặp không ít người dù họ học ít nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không, họ trả lời là không hiểu nhưng cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong. Khi nghe, khi hát lên có một điều gì đó chạm đến trái tim mình. Tôi nghĩ trong nghệ thuật điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác mà không cần cắt nghĩa gì thêm ”.
...
“ Thuở nhỏ, tôi thích đến chùa vì sự tĩnh lặng, thanh khiết. Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như không có nhu cầu đó nữa. Lý do đơn giản là tôi đã may mắn tìm thấy sự yên tĩnh đó ở trong bản thân mình. Vì thế khi viết bài hát “Một cõi đi về” và nhiếu bài tương tự như thế, tôi không phải nhờ đến một bối cảnh ngoại giới nào cả. Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vô đến cuộc đời. Và từ cuộc đời trở về lại với hư vô. Đi – Về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua. Đó là một trò chơi vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo hóa đã bày ra cho con người và cho cả vạn vật.”
...
Nhạc Trịnh với hệ thống ngôn ngữ đặc biệt mang những nét riêng về cấu trúc, cách sử dụng từ - tiếng, với âm hưởng, ý nghĩa đặc trưng phong cách cá nhân của Trịnh Công Sơn. Nhiều ca từ có thể khiến người nghe lạ lẫm, dễ dẫn đến nhầm tưởng. Trong ca khúc “Một Cõi Đi Về” có câu “con tinh yêu thương vô tình chợt gọi”, nhưng nhiều ca sĩ khi hát đã “biến hóa” thành “con tim yêu thương vô tình chợt gọi” và đinh ninh như thế là đúng. Tuy nhiên, Thái Hòa – một ca sĩ từng hát và nghiên cứu về nhạc Trịnh trong thời gian dài chia sẻ rằng, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lý giải về “con tinh yêu thương” trong “Một cõi đi về” ý chỉ những cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế. Những cô gái ấy thường hay được gia đình, người thân mắng yêu theo kiểu Huế là “đồ yêu tinh”. Và chữ “tinh” này được sử dụng trong nhạc Trịnh với ý nghĩa đó.
- st -
Photo: Dương Minh Long