Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Chiều Hồ Tây lao xao ...

Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng

Chợt hoàng hôn về từ bao giờ

...


Phú Quang

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2024

SAD ANGEL - IGOR KRUTOY

  " Tôi hiểu được rằng hạnh phúc vốn nằm trong những điều giản dị nhất "

- Igor Krutoy -




SAD ANGEL

Yakovlevich Igor Krutoy là nhà soạn nhạc, nhà sản xuất và tổ chức âm nhạc nổi tiếng ở Nga. Ông sinh năm 1954 trong một gia đình công nhân bình thường, nhưng sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Năm lớp 6, ông đã có một nhóm nhạc của riêng mình. 15 tuổi ông học chơi dương cầm và đàn phong cầm của Nga. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nhạc viện năm 1970, ông tham gia dạy đàn phong cầm và 1 năm sau, Igor thi vào khoa chỉ huy dàn nhạc của ĐH âm nhạc Nicolaev. Sau đó, ông tiếp tục học tập tại khoa sáng tác của Nhạc viện Saratov. Igor Krutoy đã phát hành hơn 30 album, tiêu thụ hơn 20 triệu bản và sáng tác hơn 300 tác phẩm lớn nhỏ. Ông được trao tặng huân chương “Vì những cống hiến cho đất nước” và danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân Dân Nga“.  Nhạc sĩ tài năng này đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật vô cùng phức tạp ở Mỹ, 21 ngày nằm trong bệnh viện, trải nghiệm những đau đớn vì bệnh tật của chính mình và cảm nhận nỗi đau của những người xung quanh, ông mới thấy cuộc sống này thật quý giá. Và bản nhạc “ Sad Angel “ được ra đời sau những trải nghiệm như thế .  

Tôi sinh ra tại Ucraine, nhưng lại lập nghiệp ở Moskva, Nga. Cho đến nay, tôi tự nhận thấy số phận giành cho tôi khá nhiều sự ưu ái. Tôi hiểu được rằng hạnh phúc vốn nằm trong những điều giản dị nhất, tôi đã sống đơn giản hơn nhiều sau phẫu thuật, giờ đây tôi nhìn nhận những điều không hay, không may mắn trong công việc bằng con mắt hoàn toàn khác … tôi thành một người có tâm rất an và bình thản ..” Igor tâm sự


“ Sad Angel “ Không cầu kỳ, không tráng lệ bởi kĩ xảo hiện đại, một clip đơn giản, một giai điệu sâu sắc và nhiều cảm xúc. Đó là những gì người ta nói khi xem và nghe clip âm nhạc này. Đây được xem là tác phẩm thành công nhất của Igor Krutoy. “ Sad Angel “ chỉ đơn thuần ghi lại những hình ảnh rất đỗi thường nhật qua ánh mắt của người nhạc sĩ bên khung cửa sổ nhưng nó đã khiến hàng triệu con tim thổn thức. Tất cả hiện lên sinh động và đầy xúc cảm: Một cô gái đang chờ người yêu, ông lao công đường phố, người bán dạo ... một cô gái xinh đẹp, một gã ăn trộm, người đàn ông sang trọng, một cô gái đang buồn chán, nhóm nhạc dạo ... Những hình ảnh vốn rất quen thuộc ấy như mỗi mảnh ghép của cuộc sống, như mỗi nốt nhạc không thể khuyết trong bản hòa tấu của người nghệ sĩ tài hoa.

Xem và nghe “ Sad Angel “, lòng người như trùng lại và suy nghĩ dường như cũng chậm hơn. Những cung bậc cảm xúc như nối tiếp nhau: buồn, vui, hạnh phúc, chán nản, thất vọng, vui tươi, xót xa .. của hàng loạt số phận mà người nhạc sĩ bắt gặp. Gác lại những bộn bề, toan tính của công việc, “ Sad Angel “ khiến trái tim mỗi người tự vấn rằng, liệu có phải mình đã để trôi lãng những khoảnh khắc tưởng như vô nghĩa ấy, nhưng kỳ thực lại giá trị hơn rất nhiều những thứ vật chất khác.

Cuộc sống là vô vàn những mảng màu lắp ghép, đôi khi, ta vô tình lãng quên những điều bình dị vốn rất quen thuộc xung quanh, để khi nhận ra, ta biết mình đã để tuột khỏi tay, rồi nuối tiếc, rồi tự chất vấn mình, tự dằn vặt rằng ... tại sao, tại sao. Những niềm vui nho nhỏ, những nỗi buồn mang mác tiếp nối nhau, đan xen những giây phút ấm áp, tươi vui. Giai điệu lúc nhẹ nhàng, trôi nổi, lúc trào dâng, da diết cùng những hình ảnh sinh động và đầy ý nghĩa. Một bản nhạc không hề được sắp đặt, không tiêu tốn thời gian, chỉ vô tình được sáng tác trong một quán nhỏ, vậy mà khi hình ảnh đã khép lại và âm thanh đã kết thúc, sao dư âm vẫn ám ảnh đến lạ lùng.

Nghe “ Sad Angel “, cuộc sống đối với mỗi người thêm quý giá hơn biết bao nhiêu, từng phút giây, từng khoảnh khắc được trân trọng và cảm nhận kỹ càng hơn. Từng nốt nhạc được viết ra như thăng hoa cùng cảm xúc của người nhạc sĩ về những cảnh đời trước mắt. Tiếng saxophone hòa lẫn tiếng piano nhịp nhàng và da diết. Không gian quán dường như tan biến, chiếc bàn nhỏ trở thành những phím đàn cho ngón tay người nhạc sĩ lướt tinh tế và đầy ngẫu hứng. Igor Krutoi đã diễn như chính con người ông, một nhạc sĩ bắt gặp những hình ảnh đời thường nhưng gợi suy tư, ghi lại bằng âm nhạc và biến thành khúc biến tấu mạnh mẽ, đánh thức những giác quan đang mệt mỏi về vòng xoáy cuộc đời.

 “ Sad Angel “ có không ít nụ cười, thậm chí giai điệu nhiều lúc rộn rã, hân hoan nhưng lắng lại sau cả bản nhạc dường như là những suy tư chất chứa, những băn khoăn, những dấu hỏi về cuộc đời, về khoảnh khắc ngắn ngủi không gọi thành tên.

“ Sad Angel “ như một thông điệp "Hãy sống và cảm nhận", nhắc nhở mỗi người đôi khi hãy để mình sống chậm hơn một chút để quan sát con người xung quanh, để lắng nghe những âm thanh rất đỗi thân thương, để tìm kiếm những vẻ đẹp bình dị, để gạn bớt những lo toan, vội vã trong tâm trí và để hi vọng về một ngày mai tươi mới. “ Sad Angel “ gợi nhớ về lời dặn dò của nhà soạn nhạc Êđua Grigơ với cô gái có đôi mắt xanh trong tác phẩm “ Lẵng Quả Thông “ của nhà văn Pautopxki. "Cháu ạ, dù người ta có nói với cháu những gì đi nữa thì cháu hãy cứ tin rằng cuộc đời thật là kỳ diệu và tuyệt đẹp".

“ Sad Angel “ khiến người nghe thêm hi vọng, thêm yêu mến cuộc đời từ những điều gần gũi nhất. Một tâm hồn héo úa gặp bản nhạc “ Sad Angel “ như tìm được nụ cười quý giá, như "bông hoa trắng ngần đã bừng nở trong tim". “ Sad Angel “ nói riêng và Igor Krutoi nói chung đã mang tới những khoảnh khắc yên bình, những khoảng lặng suy tư về cuộc sống và niềm tin vào phía trước, bởi:

 " luôn luôn có niềm hy vọng cho người nào bình tâm suy nghĩ về cuộc sống

- Katherine Logan –


Theo Quỳnh Tấn

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

Dính mắc

DÍNH MẮC

Đức Phật dạy rằng nguyên nhân của khổ đau là do sự dính mắc, attachment, chứ không phải vì ham muốn, desire. Và sự dính mắc hoàn toàn không hề phụ thuộc vào việc ta có nhiều hay ít!

    Chẳng hạn, khi ta cầm một cây bút trên tay, nó đâu có gì là nặng nề hay cồng kềnh. Nhưng nếu như ta cứ nắm chặt và dính mắc vào đó, thì rồi nó cũng sẽ trở thành một gánh nặng và chướng ngại. Và khi ta cho đó là của mình rồi thì khi đánh mất hay bị người khác lấy đi, nó sẽ phát sanh lên phiền não.

   Ham muốn chỉ đơn giản là mong muốn một cái gì đó, trong khi dính mắc là sự bám víu vào mong muốn đó. Nguyên nhân của khổ đau không phải do những gì ta muốn mà là bởi vì ta dính mắc.

 Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không bao giờ nên ham muốn bất cứ điều gì. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là chúng ta không nên bám víu vào những ham muốn của mình. 

Với một thái độ buông xả, chúng ta có thể trải nghiệm những gì mình đang có, và thế giới này, một cách tự do hơn. Cho dù chúng có mất đi hay còn đó, ta vẫn có thể tìm thấy một sự bình yên và nhẹ nhàng trong giây phút hiện tại.


Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên

Khi thần tượng sụp đổ

KHI THẦN TƯỢNG SỤP ĐỔ

Đa số chúng ta thường có quan niệm lầm lẫn, cứ nhìn vào người xuất gia, cho là những thần tượng, là những bậc Hiền Thánh, là những vị đã vượt qua người thế gian. Nhưng nếu được ở gần các vị ấy một thời gian, mới thấy các vị ấy thỉnh thoảng cũng lộ ra đôi chút phiền não; lúc bấy giờ các thần tượng đều sụp đổ, các Phật tử mới than:

 “Tưởng các vị tu hành là Thánh hết, tại sao còn dở quá vậy?”

 Rồi chán nản không còn muốn tu theo. Như thế, quan niệm đó đúng hay sai?

 Đấy là điều tôi muốn nhắc quí vị. 

Người tại gia, kể cả người xuất gia, quí vị phải quan niệm cho đúng. Chúng tôi chưa có ai được vào hàng Thánh, chúng tôi là phàm Tăng, phàm Ni; đã là phàm tức là đang tu, đang tu tức là chưa sạch. Người nào đang tu tức người đó chưa sạch, như chiếc áo còn đang giặt chưa phải là áo sạch, nếu sạch rồi không ai giặt nữa. Như vậy còn giặt là còn nhơ, còn tu là còn khuyết điểm; còn khuyết điểm nên mới tu cho hết điều dở, xấu; hết khuyết điểm thì tu làm chi nữa, vì đã là Phật rồi.

Vì thế đối với người tu, không nên đòi hỏi các vị ấy phải là thần tượng, phải là hiện thân của chân lý. Tuy nhiên có thể đòi hỏi các người tu như thế này: 

Nếu người tại gia xấu một trăm phần thì ít ra người xuất gia cũng được năm chục phần tốt, chỉ còn năm chục phần xấu, điều đó khả dĩ được. Người đang tu hơn được quí vị chừng hai, ba mươi phần trăm, hay khá là năm mươi phần trăm là được lắm rồi, không nên đòi hỏi quá đáng. 

Hiểu như vậy, quí vị mới có thể thông cảm được với người tu và ở gần không chán.

 Nhưng người tu có nhiều điểm khác người thế gian, như người thế gian nghe lời trái tai có thể giận mười năm không bỏ; với người tu thì khác, trong sách có câu “Tăng hận bất cách túc” nghĩa là Tăng giận không quá một đêm. Như vậy người tu hay người thế gian đều có giận nhưng người tu chỉ giận chốc lát rồi bỏ. Không nên đòi hỏi người tu không còn tâm giận, vì Tham Sân Si là ba cái gốc của cõi luân hồi này, còn ở cõi này tức là còn tham sân si. Khi nào dẹp sạch ba độc này là chứng quả A la hán; song hiện nay mấy ai chứng quả A la hán? 

Nhưng có điều hay là người tu khi làm điều dở bị phê bình liền biết hối cải. Tỉ dụ như người biết tu khi vừa nổi sân liền bị người chỉ lỗi “đó là hắc phong”, người biết tu liền hối hận bỏ ngay. Như vậy là tốt, là đáng khen, chớ đừng bảo người tu không có giận.

Các quí Phật tử cũng vậy, khi làm việc gì dở, được sự chỉ dạy của người trên, hoặc sự nhắc nhở của đồng bạn hay tự mình biết điều đó là dở liền bỏ, đó là người trí tuệ. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không có điều dở, chúng ta có dở, nhưng biết sửa đổi, đó là tốt, là trí tuệ. Nếu dở mà cứ che giấu trong lòng hoài, đó là người không hiền. Không hiền là người gì? Là kẻ dữ.

Người che giấu lỗi hoài là kẻ dữ, còn người hiền có lỗi gì phơi bày ra rồi chừa bỏ, đó là người tốt, người khôn ngoan, người trí tuệ.


Thầy Thích Thanh Từ

Trích: " Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải "

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Vầng ... nhất trí ạ !


  Vầng ... nhất trí ạ !

Mê .. sư

 

  Vạn dặm tương tư vì ai

  Tiếng mõ vang lên phũ phàng

   ... 



MÊ .. SƯ

Vạn dặm tương tư vì ai

Tiếng mõ vang lên phũ phàng

...


(1)

– Anh ơi. Em mượn bao diêm.

– Mô Phật. Thí chủ vui lòng giữ Giới. Tôi là Hòa Thượng.

– Em xin lỗi. Vậy gọi anh là Hòa Thượng gì?

– Gọi Thầy.

– Thầy gì?

– Chị hỏi Pháp Danh của tôi à?

– Vầng.

– Thích Thanh Thanh Tịnh.

– Tên hay lắm. Dưng em hỏi tên anh khi chưa ở Chùa cơ.

– Thầy.

– Ồ em quên. Tên Thầy khi chưa ở Chùa.

– Tôi hồi nhỏ tên Dương.

– Thầy Dương. Tên đẹp người đẹp. Em thích.

– Cửa Chùa chị nên xưng tôi, nếu ít tuổi xưng con. Không xưng em.

– Em cứ em đấy.

– Con.

– Em nhớn rồi nhé, Thầy nhé.

– Chị thắp hương đi. Đừng cắm hương lên xôi.

– Thầy nhìn thế, em cắm hương lên tay em đây này.

(2)

– Thầy ơi. Chào Thầy.

– Vầng. Chào chị.

– Em mượn cái khay.

(3)

– Thầy ơi. Chào Thầy.

– Vầng. Chào chị.

– Thứ Bẩy Thầy không xuống phố chơi?

– Xuất gia không nghỉ Thứ Bẩy.

– Không buồn?

– Không. Tu hành vui trong Giới.

– Em chả hiểu. Tu thì không được lấy vợ có phải không?

– Phải.

– Dưng vẫn được yêu?

– Không.

– Vô lý. Thầy yêu Phật chứ? Yêu Giời chứ?

– Cái đó khác.

– Em ước người yêu em bảo em là, em là Giời Phật của anh. Ui thật đắm say.

– Báng bổ quá.

– Hì hì ước thôi mà. Giả dụ Thầy chưa tu, chưa người yêu. Thầy yêu em không?

– Không.

– Tại sao?

– Tại chị quá đẹp.

– Ui Thầy bảo gì?

– Tại chị quá đẹp.

– Quá đẹp, lại không yêu? Nói dối hả? Hay nịnh?

– Mô Phật. Thí chủ vui lòng giữ Giới.

– Em ước cắn phát môi Thầy.

(4)

– Thầy ơi. Chào Thầy.

– Vầng. Chào chị.

– Á à Thầy để tóc nhá.

– Tuần rồi chưa kịp cạo chị ạ.

– Chứ không phải Thầy thích em?

– Ồ không. Không đời nào.

– Thầy chả cần để tóc. Đóng quả quần Lì Vai, quả áo Cá Sấu. Đầu trọc phong trần càng quyến rũ. Ui em mê Thầy túi bụi.

(5)

– A lố Mi Mi à?

– Chị đây. Gì con kia?

– Này chị có giai mới.

– Khoe mãi. Sốt ruột. Đẹp giai không?

– Đẹp đau đớn luôn. Mày thấy không ghen - chị làm con mày.

– Giầu không?

– Chả quan trọng.

– Ơ con dở hơi. Giầu không quan trọng gì quan trọng? Làm đâu?

– Mày không đoán nổi đâu.

– Đẹp giai, nghèo. Nghệ phỏng?

– Không. Đặc biệt hơn nhiều.

– Sinh viên?

– Ơ con dở hơi. Đéo ai yêu nhãi ranh.

– Chịu.

– Thầy chùa.

– Gì? Sư á?

– Sư. Hòa Thượng.

– Mày không dở hơi. Mày khùng rồi.

– Mày chưa gặp. Miễn bàn.

– Con khùng. Mày yêu nó bỏ nó, nó yểm bùa cho mày sống như chết.

– Thật?

– Chị chán mày lắm.

(6)

– Thầy ơi.

– Lễ sớm thế?

– Sớm mới vắng. Thầy!

– Gì?

– Thầy ôm em đi.

– Không.

– Hèn.

...

(Kết)

...

Hòa Thượng liếc cổng Chùa, ghì siết cô gái. Hèn? Làm vợ bé anh nhá?

Cô gái dẩu mồm tròn mắt. Vợ bé sư?

Hòa Thượng tủm tỉm, rút trong áo quả thẻ nhựa: Bộ Công An, Cục A41, Đinh Xuân Dương, Đại Úy.


An Hoàng Trung Tướng

(@2005)

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Hoa nở rồi tàn, hoa lại nở

   Hoa nở rồi tàn, hoa lại nở
   ...





Hoa nở rồi tàn, hoa lại nở.
Sự đời suy thịnh, có mà không.
Sao chẳng tĩnh tâm ngồi suy nghĩ,
Tự mình gây khổ, cứ long đong? 

 Trần Thái Tông 

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Trà ... & Bữa sáng


TRÀ ... & BỮA SÁNG

Chúng ta biết rằng chúng ta đang được ngồi với nhau. Chúng ta đang có mặt cho nhau và chúng ta đang được uống trà với nhau. Chỉ cần một chén trà thôi mà mình có được hai giờ hạnh phúc. Hạnh phúc đó không phải do giàu sang mang lại mà do Niệm và Định mang lại. “Niệm” là mình có mặt thực sự, “Định” là mình không để tâm đi chỗ khác. Mình chỉ có một nhóm bạn thôi, một ly trà thôi nhưng hạnh phúc rất lớn. Niệm và Định là suối nguồn của ... Hạnh Phúc. 

Mình có thể đem niệm và định vào đời sống gia đình, trân quý từng giây phút bên nhau để gia đình, lứa đôi có hạnh phúc hơn.

Bữa ăn sáng của gia đình là một cơ hội để mình có mặt và nhận diện sự có mặt của những người khác trong gia đình. Ăn sáng như thế nào để mỗi giây phút của bữa ăn sáng là một giây phút của hạnh phúc. Đó là một sự thách thức. Chúng ta có biết yêu khi ăn sáng không? Yêu tức là phải có mặt đích thực. Phải trân quý những cái gì đang có trong vòng tay của ta. Phải thưởng thức từng giây phút như thưởng thức từng ngụm trà. Đó là một sự thách thức. Nếu quý vị luyện tập về Niệm và về Định thì có thể luyện tập như vậy. Luyện tập trong mỗi bữa ăn sáng như vậy có thể đem lại hạnh phúc rất nhiều. Nuôi dưỡng chính mình và nuôi dưỡng những người chung quanh mình. Nếu mình làm hấp tấp, ăn cho xong để lo chuyện này chuyện kia thì bữa ăn sáng đó không đủ sự sống. Không chỉ lúc ăn sáng ta hạnh phúc, mà ngay cả lúc sửa soạn bữa ăn sáng cũng có thể là giây phút hạnh phúc. Mình thấy người kia đang xuống bếp nấu nước nóng, nướng bánh mì thì tại sao mình không xuống. Giây phút mình và người kia cùng chuẩn bị bữa ăn sáng cũng hạnh phúc.


Hạnh phúc có thể có mặt ngay trong bất cứ giây phút nào. Cái đó là yêu sự sống.


Sư Ông Làng Mai 

Trích: Hạnh Phúc Chân Thực 

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Cha già của nước .. Mỹ

“ Đừng vui mừng trước nỗi bất hạnh của kẻ khác, dù cho họ có là kẻ thù của bạn ”

 - George Washington -


 


CHA GIÀ CỦA NƯỚC .. MỸ

George Washington ( 22.2.1732 ) là một nhà lãnh đạo quân sự, một chính khách người Mỹ. Ông là một trong những người lập quốc và cũng là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ từ năm 1789 đến năm 1797. Trước đó, ông là tổng tư lệnh Quân đội Thuộc địa trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, đã lãnh đạo lực lượng Yêu nước giành thắng lợi trước quân đội Hoàng Gia Anh trong cuộc Chiến tranh giành độc lập. Ông chủ trì thực hiện Hội nghị Lập hiến năm 1787, thành lập Hiến pháp Hoa Kỳ và chính phủ liên bang. Washington được gọi là "Cha già của nước Mỹ"vì sự lãnh đạo tài tình của ông trong những năm đầu Lập Quốc.

" Be not glad at the misfortune of another, though he may be your enemy "

- George Washington -

 

* Tượng đài George Washington ở thành phố Boston