Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

KHÁT ...

 " Nước dồi dào ở phương Nam, phương Bắc lại thiếu, tại sao không dẫn một ít nước từ Nam lên Bắc? "
- Mao Trạch Đông -



HẠ NGUỒN MEKONG TRONG CƠN KHÁT VÔ TẬN CỦA BẮC KINH

Gần hai mươi triệu người Việt Nam phụ thuộc vào nước ở hạ nguồn sông Mekong. Nhưng thượng nguồn bị kiểm soát bởi một quốc gia có cơn khát vô tận.


"Chúng không chết nhưng cũng không lớn nổi", Hủ nói, ném lại những con tôm bé hơn ngón tay út xuống hồ. Đó là lần thả lưới thứ ba trong ngày, mới có vài con tôm vướng lưới.
Như nhiều nông dân khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, Trần Văn Hủ đã từng chuyển đổi từ hai vụ lúa sang một vụ lúa một vụ tôm, rồi cuối cùng chuyển hẳn sang quảng canh tôm. Đất nhiễm mặn, cây lúa cho năng suất thấp. Nước ngọt ngày càng khan hiếm mà cây lúa lại tiêu tốn nhiều nước. 
Hủ vay ngân hàng, đổ tiền vào thiết bị, con giống; mua chịu thức ăn công nghiệp. Nhưng anh chỉ có lãi hai năm đầu. Những mùa tiếp theo, sau vài tháng xuống giống, tôm chết nổi kín mặt hồ, con còn sống thì quá bé, không bán được. 
Càng nuôi càng lỗ, hai vợ chồng Hủ bỏ ruộng lên Bình Dương tìm việc. Họ bỏ lại sau lưng khoản nợ hai trăm triệu và đứa con 2 tuổi.

Hơn một năm qua, chỉ riêng xã Thới Quản, huyện Gò Quao, một cán bộ tòa án nói cô đã xử lý gần 50 lá đơn đòi nợ từ các hiệu buôn vật tư nông nghiệp và ngân hàng. Tất cả đều liên quan đến tôm. Hầu hết bị đơn đều đã rời địa phương, toà tiến hành xử vắng mặt. 
Hủ là một đại diện dễ gặp của những nông dân ở hạ nguồn sông Mekong những năm qua. Mekong là một từ tiếng Khmer, với Mé nghĩa là "mẹ", còn kông là biến thể của "kôngkea" (dòng sông). Dòng sông mẹ là nơi hình thành nhiều nền văn minh của Đông Nam Á, và hiện trực tiếp nuôi dưỡng hơn 100 triệu người bằng nguồn nước của mình.

Số phận của vùng hạ lưu sông Mekong, gồm cuộc đời của những nông dân Lào, Campuchia và Việt Nam đã là chủ đề thế giới quan tâm nhiều năm qua. Ủy hội sông Mekong (MRC) thành lập năm 1957, với slogan súc tích: "Cho sự phát triển bền vững". Nhưng nửa thế kỷ, Ủy hội vẫn chỉ có Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên.
Suốt nhiều thập niên, Trung Quốc - với 2.130 km sông Mekong chảy trên lãnh thổ trong tổng chiều dài 4.880 km - chỉ tham gia vào Ủy hội với tư cách "đối tác đối thoại", và dành thời lượng đối thoại để phủ nhận các cáo buộc về tác động của họ đến hạ nguồn Mekong.

I. Những nẻo đường phù sa
Nghề công nhân không giúp Hủ có hy vọng trả nợ. Sau 4 năm, vợ chồng Hủ từ Bình Dương trở về, lại tiếp tục dọn hồ, thả giống tôm. Họ không có lựa chọn khác ngoài đánh cược. 
Nhưng suốt nửa năm, thả một thiên giống xuống, chỉ đổi lấy tôm chết nổi mặt hồ. Một ngày nắng nóng đỉnh điểm tháng 5/2019, Hủ quẳng lưới xuống hồ, để rồi hai lần vớt lên đều trống không. Trưa hôm đó, chỉ số độ mặn của con nước Hủ đo tiếp tục vượt ngưỡng chịu đựng của con tôm.
Tháng 11/2015, báo Guardian của Anh trích lời một nông dân miền Tây ẩn danh, như một biên bản ngắn gọn về đời nông dân trước sự thay đổi của dòng sông: nước ngày càng mặn; trồng lúa không nổi; chuyển sang nuôi tôm cũng không nổi; không còn sinh kế và thậm chí không đủ nước uống.
Vợ Hủ không muốn trông chờ vào con tôm nữa. Chị vẫn nghĩ, quay lại Bình Dương làm công nhân là cách tốt nhất cho gia đình.
Đó là niềm tin chung của nhiều nông dân quê Hủ. Nơi đó, người nữ cán bộ tòa án huyện thỉnh thoảng mang trát hầu tòa, cùng chủ hiệu buôn vật tư nông nghiệp tìm những nông dân nuôi tôm. Họ chỉ thấy những căn nhà mái tôn khóa cửa. Chủ nhà đã đi Bình Dương làm công nhân. 
Thông tin mời hầu toà sau đó sẽ được đăng trên báo địa phương và bảng thông tin của UBND xã. "Đăng cho đầy đủ thủ tục vậy thôi chứ không bị đơn nào đọc được", người cán bộ nói. 

Con tôm sống dở trên tay Hủ buổi trưa tháng Năm thật ra đã được dự đoán số phận bởi Bộ Thủy lợi Trung Quốc - cơ quan kiểm soát nước trên đầu nguồn Mekong.
Cuối tháng Tư năm nay, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam phát đi thông báo của Bộ Thủy lợi Trung Quốc: đến giữa tháng 4, lưu lượng xả ra ở thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm từ 25% đến 50%. Ảnh hưởng theo dự báo, là nước mặn có thể vào sâu hơn ở miền Tây mùa hè này.
Cảnh Hồng chỉ là một đập trung bình trong số khoảng hai mươi đập thủy điện đã và đang được xây dựng trên dòng Lan Thương - tên gọi trên đất Trung Quốc của dòng Mekong.
Từ những năm 1990, trong nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp và đô thị hoá, Trung Quốc ồ ạt xây dựng đập thủy điện. Nhiều chuyên gia môi trường nước này ví làn sóng xây thuỷ điện với phong trào luyện thép trong Đại Nhảy Vọt năm 1958. 
Đã có hàng ngàn con đập lớn nhỏ, nhưng con số sẽ không dừng lại. Với tình trạng ô nhiễm không khí do nhiệt điện than, thuỷ điện vẫn được xem là trọng tâm trong chính sách năng lượng mới của Trung Quốc.

Từ biên giới Lào-Trung Quốc ngược về hướng Bắc theo dòng Lan Thương chưa đến 1.000 km đã có 10 đập thủy điện. Có những đập siêu lớn như Tiểu Loan, công suất 4200 MW, hay Nọa Trát Độ, công suất 5850 MW. Chúng đều nằm trong top 10 đập thủy điện lớn nhất hành tinh. Trong khi đó, nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất Việt Nam chỉ có công suất 2400 MW.
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận ảnh hưởng của các đập này tới hình thái của dòng sông. "Việc hạ mực nước sông Mekong không liên quan gì đến việc phát triển đập thủy điện" - thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào nói trong hội nghị của Ủy hội Mekong năm 2010, khi Trung Quốc vừa xây xong đập Tiểu Loan.
Nhiều năm nghiên cứu về sinh thái, TS. Dương Văn Ni - Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ - nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các địa phương ở đây nuôi tôm thất bại, một trong số đó là thượng nguồn. 
Đập thuỷ điện giữ nước vừa khiến nồng độ mặn cao lên vừa làm cho lượng nước về hạ nguồn suy giảm, không đủ để đẩy trôi những chất bẩn tồn đọng trên dòng sông. "Dòng sông bây giờ như ao tù bị ô nhiễm. Khó có loài thuỷ sản nào sinh sống tốt ở môi trường này", ông Ni nói.

Phù sa là một vấn đề nghiêm trọng khác. Ngay khi Mạn Loan - con đập đầu tiên được Trung Quốc xây trên Lan Thương - hoàn thành năm 1993, lượng phù sa về Đồng bằng Sông Cửu Long đã suy giảm rõ rệt.
Theo Uỷ hội sông Mekong, các đập thủy điện ở thượng nguồn đã làm giảm hơn một nửa lượng phù sa ở hạ nguồn, từ 160 triệu tấn/năm vào năm 1992, xuống còn 80 triệu tấn/năm vào năm 2014. Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính, đến năm 2040, khi các công trình thủy điện ở dòng chính Mekong được vận hành, Đồng bằng Sông Cửu Long gần như không còn phù sa.
Các con đập cũng làm độ biến thiên nhiệt độ của nước sông tăng lên, theo ghi nhận của Tổ chức các dòng sông Quốc tế (IR). Sự thay đổi nhiệt độ nước sẽ tác động đến môi trường sống của các loài thuỷ sản ở hạ nguồn. 
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, độ mặn ngày càng cao, thời gian xâm nhập mặn cũng xảy ra sớm và kéo dài hơn. Ở các cửa sông Mekong, trước đây mặn xâm nhập sâu 40 km thì nay đã lấn sâu vào 50 km, thậm chí 75 km. 
Ở một đoạn khác trên sông Cái, vợ chồng chị Thuỷ đang ngóng chờ mưa xuống để rửa mặn cho đất trước khi sạ lúa. Họ đã nhổ sạch cỏ nước mặn, làm đất cho hơn 30 công ruộng. "Tất cả đã sẵn sàng. Chỉ còn thiếu nước ngọt", chị Thuỷ nói. 
Thiên tai năm 2016, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Gia đình chị vét từng giọt nước cuối cùng mong cứu được lúa nhưng bất thành. Năm đó, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong thấp nhất trong vòng 90 năm. 
Gia đình chị từng chứng kiến mấy chục công lúa đang ngậm sữa bỗng chết khô. "Tháng Mười, theo lẽ thường, nước vẫn còn ngọt nhưng bỗng dưng chuyển mặn, chúng tôi trở tay không kịp", chị Thuỷ nhớ lại.
Đã từ lâu, con sông cũng không còn ngập qua gốc tra bên bờ. Dòng nước cũng hiếm khi đỏ ngầu. Rành tính nết con sông qua đây, nhìn màu nước xanh đục, chị Thuỷ kết luận, đó là dấu hiệu "đói" phù sa. 
"Không còn ai trông chờ vào phù sa nữa, cứ mua phân mà đổ xuống ruộng thôi. Lời lãi giờ chỉ còn mấy trăm nghìn đồng một công. Lương công nhân 5 triệu đồng/tháng vẫn còn ngon hơn làm lúa".
Những cuộc ra đi vẫn tiếp diễn. Theo báo cáo năm 2014 của Tổng cục thống kê, đây là vùng có tỷ suất di cư ròng âm lớn nhất nước (-29,7%). Số di dân từ Đồng bằng Sông Cửu Long đến các vùng khác vào 2009-2014 đạt  hơn nửa triệu người, gấp hơn hai lần giai đoạn 1994-1999.
Nhưng 20 đập thủy điện không phải là kế hoạch lớn duy nhất mà Bắc Kinh dự tính với dòng nước của Mekong. Dòng sông này còn xuất hiện trong một dự án thế kỷ của Mao Trạch Đông: " Nam Thủy Bắc Điều "

II. Nam Thuỷ - Bắc Điều
Mao Trạch Đông từng gợi ý: "Nước dồi dào ở phương Nam, phương Bắc lại thiếu, tại sao không dẫn một ít nước từ Nam lên Bắc?".
Phương Bắc Trung Quốc khát nước. Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc những thủ phủ công nghiệp luôn phải đối mặt với cơn khủng hoảng nước. Chiếm gần phân nửa dân số cả nước, hai phần ba diện tích đất nông nghiệp của Trung Quốc nhưng lượng nước có được ở miền Bắc chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng nước toàn quốc. Quốc gia này có địa hình thoải xuống phía Nam.
Chưa kể, theo International Rivers, 42% các con sông của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng, ba phần tư hồ và hồ chứa không còn chức năng sử dụng. Phòng Nguồn nước - Sở Thủy vụ Bắc Kinh khẳng định mỗi năm thành phố này thiếu tới 1,5 tỷ mét khối nước.
Ý tưởng của Mao sau này được hiện thực hóa dưới đại dự án mang tên "Nam Thủy Bắc Điều". Hàng chục tỷ USD đã được đổ cho việc xây dựng các kênh dẫn hướng khổng lồ nối các dòng sông phía Nam lại và đưa nước ngược lên phương Bắc.
Nước trở thành nhiệm vụ của mọi thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. "Thiếu nước là mối đe dọa tồn vong của quốc gia Trung Hoa", Ôn Gia Bảo cảnh báo trước khi trở thành Thủ tướng nước này.
Tháng 12/2014, nước máy chảy ra từ những vòi ở Bắc Kinh, lần đầu tiên được lấy ở cách đó hàng nghìn cây số. Truyền thông nước này nhận định, cuộc khủng hoảng nước đã được ngăn chặn, Bắc Kinh đã được cứu. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố khoảng 70% nguồn nước sinh hoạt của cư dân thành phố là từ sông Dương Tử ở phía Nam. Nước từ phương Nam cũng đã tưới mát cả Thiên Tân, Hà Nam, Hà Bắc.

Hai tuyến dẫn nước, gọi là "Tuyến trung tâm" và "Tuyến phía Đông", dài hơn một nghìn cây số, đã được hoàn tất. Tương lai sẽ là một "Tuyến phía Tây", với dự định gộp nhiều dòng sông nhỏ phía Tây nước này vào Hoàng Hà và Dương Tử.

Nhưng "Nam thủy" không chỉ nghĩa là nước ở phương Nam Trung Quốc, mà thực chất là nước của cả các quốc gia phía Nam biên giới nước này. Có khoảng 3 tỷ người sống phụ thuộc vào nguồn nước từ cao nguyên Thanh Tạng của Trung Quốc.
Trong tính toán của Bắc Kinh, để làm dịu cơn khát của phương Bắc, các đường dẫn nước của Nam Thuỷ Bắc Điều sẽ rút 200 tỷ mét khối nước mỗi năm từ các dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng: Yarlung Zangbo (chảy qua Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Trung Quốc), Thanlwin (chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan) và sông Mekong. 

Xung đột liên quốc gia đầu tiên liên quan đến nguồn nước xuất hiện với nước đông dân thứ 2 thế giới, Ấn Độ. Mực nước của sông Siang - tên gọi của Yarlung Zangbo chảy qua Ấn Độ - năm 2017 đột nhiên giảm mạnh, dòng sông chuyển màu, bị ô nhiễm. Các quan chức Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đang xây hầm chuyển dòng Yarlung Zangbo từ Tây Tạng sang Tân Cương. Cáo buộc này không thể được xác minh.
Nước của Mekong khi nào sẽ chảy về phương Bắc Trung Hoa? Các chuyên gia môi trường đến từ nhiều tổ chức nghiên cứu Mekong đều nhận định, việc lấy nước từ Lan Thương chưa bao giờ nằm ngoài kế hoạch của Nam Thuỷ Bắc Điều. 
Tất cả đều quan ngại, cũng như các công trình thuỷ điện, Trung Quốc sẽ không công khai đầy đủ quá trình xây dựng và thông tin vận hành dự án. 
Với các quốc gia hạ nguồn, đó sẽ luôn là một ẩn số. Đất nước gác cổng Mekong đã từ chối tham gia vào Uỷ hội sông Mekong cùng với Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Thay vào đó, Bắc Kinh tự đưa ra sáng kiến Hợp tác Lan Thương-Mekong và điều phối chính tổ chức này.

III. Không chốn dung thân
Tháng Mười hai năm ngoái, một khoảnh căn chòi lợp lá dừa của ông Nguyễn Văn Giúp ở Xóm Đáy (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) rơi thẳng xuống sông Hậu. Gia đình ông chạy kịp ra ngoài, thoát chết trong gang tấc.
Cây cột đặt máy bơm nước vốn được cắm trên mặt đất bỗng nằm giữa sông. Con sông đã ngoạm những mét vuông đất cuối cùng. Lần này, ông Giúp không thể dời chòi ra xa bờ sông thêm nữa. Sau lần sạt đó, căn chòi còn chưa đầy 18 mét vuông, nằm ngay bờ sạt lở. 
"Tiến trình kiến tạo đồng bằng đã không còn nữa. Đồng bằng Sông Cửu Long giờ đây tựa một mảnh vải đang từ từ mục rã", TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, nói. Không còn sinh kế nông nghiệp không phải là nguy cơ duy nhất chờ đón cư dân hạ nguồn Mekong.

Giữa tháng Ba năm nay, con sông lại tiếp tục nuốt chửng chỗ đặt giường ngủ nhà ông Giúp. Hai chân giường giờ kê sát mé sông, cách mặt nước hơn nửa mét, lúc nào cũng trong tình trạng ẩm ướt do nước hắt vào. Đồ đạc trong nhà cũng được kê cao để tránh bị sóng to cuốn trôi. 
Để sóng không đánh bay chỗ trú ngụ cuối cùng trên mặt đất, vợ chồng ông lấy đá đè lên mái, lấy dây thừng neo vách vào cây bần mọc trên khoảng sông nơi từng là sân trước. 
Đứng ở phía sau chái nhà, chỉ tay ra khoảng sông Hậu mênh mông cách đó hơn 200 m, ông Giúp bảo, mảnh vườn, căn nhà tường gạch của gia đình ông từng nằm đó. Cái sân trước, nơi vợ chồng ông dựng rạp tổ chức đám cưới con trai nay đã chìm gần hết dưới đáy sông, chỉ còn lại một khoảnh nhỏ để gia đình ba thế hệ của ông cắm chòi cư trú. 
Theo TS. Lê Anh Tuấn, việc giảm hàm lượng và tải lượng phù sa bùn cát về hạ nguồn không chỉ làm suy giảm nguồn dinh dưỡng cho đất nông nghiệp, nó còn làm vùng đất này "tan rã". 
Đồng bằng được hình thành từ hơn 5.000 năm trước, do phù sa sông Mekong bồi đắp. Mỗi năm đồng bằng lấn ra biển 50-70 m, nhưng hai thập niên trở lại, hiện tượng này đã dừng và quay ngược lại.
"Hồ chứa nước ở các đập thượng nguồn như một cái bẫy giữ lại phù sa. Một khi hàm lượng phù sa trong nước ít đi, dòng nước sẽ nhẹ hơn dẫn đến mất cân bằng động dòng chảy, làm nước chảy nhanh hơn, cuốn theo đất hai bên bờ và lòng sông dẫn đến hiện tượng sạt lở", ông Tuấn giải thích.
Xóm Đáy nằm ở cuối con sông Hậu bây giờ chỉ còn độ 1.000 mét vuông, dù trước đó nó từng là một vùng đất rộng hơn thế gấp năm lần. Trong trí nhớ của ông Giúp, bờ sông Hậu 10 năm trước khi lở khi bồi, bờ sông cách xa nhà các hộ dân trong xóm chừng 100 m. Nhưng vài năm trở lại, nước thôi bồi, sông ăn đến tận cửa nhà. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, sạt lở đang uy hiếp 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Mỗi năm, vùng đất này mất 300-500 ha đất, hàng chục nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Những lần kè bờ bằng gốc dừa, bao đất không còn ăn thua với con nước Hậu Giang. Bờ sông tiếp tục lở. Một số người chuyển đi. Nhiều người ở lại sống trong tình cảnh như ông Giúp, mỗi khi sạt lở lại sửa nhà, lại dời nhà vào trong, cho đến lúc chỉ còn sức dựng một cái chòi tạm bằng cây lá, bạt nylon. 
"Càng lúc sông lấn càng nhanh, càng sâu. Cứ đà này, chỉ thêm hai lần lở nữa là ở đây hết đất", ông Giúp nói, "nhưng chúng tôi đã già,  không thể đi nơi khác".

Bảo Uyên



https://vnexpress.net/longform/ha-nguon-mekong-trong-con-khat-vo-tan-cua-bac-kinh-3945579.html

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

Ta còn em

Ta còn Em
Cổ Ngư, tên thật cũ
Nắng chiều phai
Là đà, cành Phượng vĩ
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa
...






EM ƠI , HÀ NỘI PHỐ



Gửi những người Hà Nội đi xa
1 .
Em ơi! Hà - Nội - phố...
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gácThời gian
Mòn thân gỗ,
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...

Ta còn em chấm lửa
Điếu thuốc cuối cùng,
Xập xoè.
Kỷ niệm...
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa...
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.
Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố...
2.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn.
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xoã xoã bờ vai,
Khung trời gió.
Con đường như bỏ ngỏ...
Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua...
Khuôn mặt chưa quen.
Bỗng xôn xao nỗi khổ.
Mỗi góc phố một trang tình sử

3.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em rì rào hạt nhỏ,
Cơn mưa chợt đến trong chùm lá
Vòm trên cao chuông hồi đổ,
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Trên hè phố
Gã Trương Chi ôm ghi ta.
Ngước lên cửa sổ,
Có một ngày...
Trống không ô cửa.
Tiếng hát Trương Chi.
Ngợi số nhà...
Ta con em chuyến tàu khuya
Về muộn
Vào ga...
4.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em quả bóng lăn,
Một mình,
Trên sân cỏ.
Cơn mưa đầy
Những hố sâu trước cửa,
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ
Thằng bé qua tuổi thơ vội vã,
Chợt ngẩn ngơ
Với bóng nước lung linh!
Bầu trời.
Khoảng lạ!
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?
Qua đó, nao nao nhớ tuổi học trò...
Dàn thiên lý đã chết khô!
Năm xưa,
Những chùm hoa,
Thơm hò hẹn.
Cuộc tình đầu ngọt lịm.
Nụ hôn còn xanh mãi trên môi...
5.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Chút nắng vàng le lói vườn hoang,
Vàng ngọn cỏ.
Cô gái khẽ buông rèm cửa,
Anh chàng lệch mũ đi qua,
Lời tỏ tình đêm qua dang dở...
Ta còn em ngày vui cũ,
Tàn theo mùa hạ.
Tiếng ghi ta bập bùng tự sự,
Đêm kinh kỳ thủa ấy xanh lơ...
6.
Ta còn em tiếng tích tắc
Chiếc đồng hồ quả lắc già nua
Đếm thời gian theo nhịp đong đưa,
Những tiếng quen
Ngán ngẩm,
Mệt nhoài...
Căn phòng trống bỗng mênh mang bóng lẻ.
Nửa đêm đành mở cửa ra đi,
Những bước liêu xiêu,
Miền u tịch dọc dài,
Hàng soan nghiêng,
Lá đổ.
Tiếng mõ từ ngôi chùa,
Ẩn trong tận cùng hẻm phố...
Ta còn em ánh đèn mờ đầu ngõ
Sáng màu hoa đỏ
Bên gốc gạo
Lao xao cười nói, mời chào,
Xe cộ nổi còi hối hả...
Buổi chợ chiều trên phố vừa tan
Chợ đêm giữa kinh đô họp muộn...
Những kẻ nghèo khuya thức,
Đợi tinh mơ lại mở chợ ngày.
7.
Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em vầng trăng nửa,
Người phu xe đợi khách bến đầu ô.
Tiếng rao đêm lạc giọng
Ơ hờ...
Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ
Lão Mozart hàng xóm
Bảy nốt cù cưa.
Từng đêm quên giấc ngủ...
Ta còn em tiếng dương cầm.
Trong khung nhà đổ
Lả tả trên thềm
Beethoven và sonate Ánh trăng.
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ...
Cô gái áo đỏ venise
Xa Hà Nội,
Vẽ clavecin
Tập đàn
Trên phản gỗ...
Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy.
Đêm lộng lẫy!
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
Nước mắt lã chã trên áo đỏ.
Rồi một ngày tả tơi,
Loạn gió.
Vườn Ngọc Hà
Mùa hoa cánh rã,
Đường Quán Thánh.
Bản giao hưởng Lặng câm
Trong một ngôi nhà...
Ta còn em một đam mê.
Một vật vã,
Một dang dở,
Một trống không,
Một kiếp người,
Những phìm đàn long...
8.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em khuya phố mênh mông.
Vùng sáng nhỏ.
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều.
Rượu làng Vân lung linh men ngot.
Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa...
Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ.
Cơn say quá dài thành một cơn mê...
9.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em tiếng hàng ngày.
Reo vang đường phố.
Lanh canh! Lanh canh!
Tia hồ quang chớp xanh.
Toa xe điện lên đèn.
Người soát vé áo bành tô sờn rách...
Lanh canh! Lanh canh!
- Ai xuống Bờ Hồ!
Ai đi Mơ! Ai lên Bưởi!
Lanh canh! Lanh canh!
Một đời cơ nhỡ.
Trăm ngày ngược xuôi
Đầm đìa nước mắt.
Aó vã mồ hôi.
Bơ gạo mớ rau...
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh! Lanh canh!
Lá bánh, củ khoai.
Đàn con trên bến đợi.
Cuối ngày...
10.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm.
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa....
Ta còn em Cổ Ngư, tên thật cũ,
Nắng chiều phai
Là đà, cành phượng vĩ,
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...
Chiếc lá rụng.
Khởi đầu ngọn gió.
Lao xao sóng biếc Tây Hồ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...
11.
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn.
Nhớ Nhật Tân.
Mùa hoa năm ấy.
Cánh đào phai...
Người dẫu ra đi vạn dặm dài.
Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ...
12.
Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh
Sũng ướt bậc thềm.
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái băng qua đường bỗng hồng đôi má.
Một chút xanh hơn
Trời Hà Nội.
Hôm qua...
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ.
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu...
13.
Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em con đê lộng gió.
Dòng sông chảy mang hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già.
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá...
Ta còn em mùa nước đổ
Sông Hồng mất tăm bãi Giữa,
Bè xuôi, không ghé bến
Con tàu nhổ neo về biển.
Hồi còi vọng
Như một tiếng than dài
- “Mùa này trăng vỡ trên sông”
Ta còn em hàng cây khô,
Buồn như dãy phố.
Người bỏ xứ
Quay nhìn lần cuối.
Hạt sương tan,
Nhoè nhoè đuôi mắt.
“Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thực!”...
Lữ khách khẽ ngâm câu Tống biệt
Đành đoạn một lần dứt áo xanh...
14.
Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em một Hàng Đào.
Không bán đào.
Một Hàng Bạc.
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều.
Không ông Nghè bái tổ vinh qui...
Ngày đi,
Một nỗi mang tên nhớ.
Ngày về phố cũ bỗng quên tên.
Quên bậc đá,
Quên mái hiên.
Quên cây táo trồng ngay trước cửa.
Thưở ấu thơ thoả thích leo trèo...
Ngày về,
Ra rả tiếng ve,
Võng trưa hè kẽo kẹt,
- “À ơi! tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền
Nước mắt như mưa...”
Bài tập đọc
Quốc văn giáo khoa thư
Bà ru cháu ngủ...
Người về sững sờ bên cánh cửa,
Tiếng ru hời!
Gọi lại mảnh đời quên...
15. RIÊNG VỀ MỘT CHUYẾN ĐI
Sân ga Hàng Cỏ.
Tuổi mười tám trong hàng quân,
Năm khởi chiến.
Thề ra đi
Không trở về khi giặc chưa yên!
Cô gái Hà Nội trong đám đông đưa tiễn
Gửi chàng trai một bó hoa,
Và một nụ hôn.
Đoàn tàu chở đoàn quân về phía Nam
Vào trận đánh
Chở theo dãy phố,
Chở những con đường,
Chở nguyên Hà Nội nhớ,
Những bó hoa và cả vết môi hôn...
Khi khai trận
Anh lính trẻ bỗng bàng hoàng,
Thật bất ngờ khi súng nổ.
Và bỡ ngỡ,
Như đầu đời vừa nhận nụ hôn...
16.
Em ơi! Hà Nội - phố.
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ
Cánh tay trần trên gác cao
Mở cửa.
Mùa xuân trong khung
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình xanh nõn lá
Giò phong lan.
Điệp vàng rực rỡ.
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?
Ta còn em tiếng trống tan trường.
Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ
Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa.
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Bậc thềm nào in dấu hài hoa?
17.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai còn ngồi bên gốc đại già?
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa.
Chợt quên bên đường ai đứng đợi...
Cuộc đời có lẽ nào.
Là một thoáng bâng quơ!
Ta còn em một cuộc tình
Như một bài thơ.
Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số.
Nhật ký sang trang ghi thêm nỗi nhớ...
18.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em lô xô màu ngói cũ.
Hiu quạnh
Một ngôi nhà
Oa oa tiếng khóc.
Ngày con ra đời.
Cơn bão rớt bẻ gãy cành đa.
Con vừa lớn...
Chinh chiến gần kề trước cửa.
Ta còn em con đường đá
Lát bao niên kỷ?
Cây si kia trồng tự năm nào?
Ngày đi,
Qua đò Dâu
Nhìn về bến vắng,
Ruột đau,
Xót mẹ còng lưng gánh buổi chiều!
19.
Em ơi! Hà Nội – phố
Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy Hàng Mã
Lâu đài, dinh thự
Ngựa, xe, võng, lọng
Gấm, vóc, lụa, là.
Những hình nhân hầu gái
Đẹp như hoa.
Ta còn em đống than tro.
Một ngày gió nổi,
Mớ giấy tiền,
Phù du của nả.
Hai cõi âm dương,
Mịt mù bụi phố!
20. RIÊNG VỀ MỘT THÁNG CHẠP
Tháng Chạp!
Những tàng cây óng ả sợi tơ hồng.
Tháp chạp thủ thỉ lời hò hẹn.
- “Qua đợt gió cuối mùa...
Ngày mai ta đến với mùa xuân”
Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa.
Đã có tên trong vòng hoa tưởng niệm...
Một tháng Chạp trắng khăn sô,
Khói hương dài theo phố.
Một tháng Chạp
Thâu đêm.
Mẹ
Thức.
Hoá vàng...
Tháng Chạp con đường ngẩn ngơ,
Dãy phố thành toạ dộ.
Khu trắng không người ở,
Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa,
Lời thề của người bỏ phố:
Còn một đống gạch, còn trở về nhà cũ!
Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ
thí thân cho mất cho còn!
Một tháng chạp,
Trên nóc cao, còi hụ,
Cái chết đến tự phương nào?
Cách thủ đô bao nhiêu cây số?
Giọng Hà Nội thật ngọt ngào,
Cô gái loan truyền tin bão lửa:
“Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào...”
Một tháng Chạp,
Cây bàng mồ côi mùa đông,
Nóc phố mồ côi, mùa đông,
Mảnh trăng mồ côi, mùa đông.
Thang Chạp năm ấy in hình bao mộ phố!
21.
Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cổ
Một thịnh, một suy.
Thời thế.
Lẽ hưng vong.
Người qua đó hững hờ bài học sử...
Ta còn em dãy bia đá.
Danh hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa...
Ly rượu đầy xin rót cúng cha.
Nghìn lạy cúi đầu thương đất Tổ.
Bến nước nào đã neo thuyền ngự
Đám mây nào in bóng rồng bay?...
Ta còn em những giấc mơ lộng lẫy xiêm y.
Nhã nhạc nhịp nhàng,
Vóc dáng cung phi.
Những hào kiệt, những anh hùng,
Vương triều nào cũng có,
Và kẻ cuồng si gọi tên thi .
Thắp nén hương nhớ người tri kỷ...
22. 
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em năm cửa ô.
Năm cửa gió
Cơn bão những mùa nào qua đó?
Ba mươi sáu phố
Bao nhiêu mảnh vỡ?
Ta còn em một màu xanh thời gian.
Màu xám hư vô.
Chợt nhoè.
Chợt hiện.
Chợt lung linh ngọn nến.
Chợt mong manh,
Một dáng, một hình.
Nhợt nhạt vàng son.
Đậm đầy cay đắng.
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố,
Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường,
Một mình giữa bóng chiều sa,
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha...
Bầu trời này như của riêng ta!
Nỗi buồn vô cớ luôn rất lạ...
23.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng,
Chiều cuối.
Những giọt sương nhoà bóng điện,
Mặt nước Hồ Gươm bỗng nhiên trở lạnh,
Thap Rùa ngả bóng,
Lung linh...
Người ra đi mang theo buốt giá,
Áo choàng không ấm thân gầy
Cầm bằng theo cánh chim bay...
Người đi tìm khoảng cách để quên,
Nào biết phương xa,
Mài mòn đôi mắt nhớ?
24.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa,
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya.
Cọt kẹt bước chân quen,
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ,
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...!
Hà Nội, tháng Chạp 1972 
Phan Vũ
* Bài thơ này được sáng tác từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài không được in trong bất kỳ tập thơ nào. Mặc dù vậy, bài thơ được biết đến nhiều qua ca khúc Em ơi, Hà Nội phố do nhạc sĩ Phú Quang lấy vài câu để phổ nhạc, và lên sóng phát thanh vào năm 1987 qua giọng ca Lệ Thu. Do không được in trong các tuyển tập nên bài thơ có nhiều dị bản được lưu truyền. Năm 2008, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Phan Vũ - thơ (NXB Văn học). Bản chép ở đây đã được tác giả xác nhận là bản sửa đổi đầy đủ và cuối cùng. 
Nhà thơ Phan Vũ sinh năm 1926. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ: tập thơ Hà Nội – Phố, kịch “Lửa cháy lên rồi” (giải Nhì của Hội Văn nghệ Việt Nam, 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, kịch bản phim “Dòng sông âm vang”,…Bên cạnh đó ông từng đạo diễn các phim "Bí mật thành phố cấm", "Như một huyền thoại…". Nhiều năm trở lại đây, người ta lại biết đến Phan Vũ nổi bật trong vai trò của một họa sĩ, ông đã có không ít các cuộc triển lãm tranh ở trong và ngoài nước. Ông có cảm thức hội họa từ sớm nhưng cuộc đời đưa cho ông một lối đi riêng, một đạo diễn điện ảnh. Ở tuổi 70 khi người ta hầu hết đang gói ghém lại cuộc đời để chuẩn bị cho một lần ra đi mãi mãi thì Phan Vũ mới bắt đầu cầm cọ và vẽ mê mải như để thỏa niềm khao khát dồn nén từ lâu
 

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Chay Tịnh

CHAY TỊNH
Có người Bà La Môn hỏi Đức Phật:
- Ăn thế nào cho thanh tịnh ?
Đức Phật trả lời:
- " Khi một người Thanh Tịnh ăn món ăn bất tịnh, thì người đó vẫn Thanh Tịnh, còn khi người Bất Tịnh, dù ăn món Thanh Tịnh, người đó vẫn Bất Tịnh "

- st -

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

Nỗi nhớ mùa Hè

Để sớm mai này cũng hoá xa xưa ...


NỖI NHỚ MÙA HÈ
Có những mùa hè không hề trở lại 
Chỉ tiếng ve trĩu cánh phượng hồng 
Trang sách cũ xa rồi, xa mãi 
Ngân khúc nhạc lòng trong nỗi bâng khuâng. 

Người năm cũ tay còn nguyên dấu mực 
Hay đã phôi phai chừng ấy dặm trường 
Ai lên bảng ấp úng hoài chưa thuộc 
Ai dưới lớp nhìn mắt thoáng rưng rưng. 

Mùa hè ấy có hoa và có bướm 
Có áo dài sáng trắng đường đi 
Bạn bè đọc tên trêu đùa tinh nghịch 
Hai đứa nhìn nhau đỏ mặt thầm thì. 

Ai còn giữ mùa hè trong lưu bút 
Chép bài thơ vụng dại học trò 
Ai gặp lại, ai xa rồi mất hút 
Để sớm mai này cũng hóa xa xưa ... 

Phạm Xuân Dũng
 

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Kiếm được ...

Khi lang thang dọc theo đường sắt, gã vô gia cư Isaac vớ được tờ hai mươi đô la. Anh ta bước đi xa thêm chút ít và cảm thấy cái nhói ở chai chân. "Này chân," anh ta nói, "Tớ sẽ mua cho cậu một đôi giầy mác mới nhé." 
Anh ta tiếp tục bước đi, nhưng chẳng mấy chốc cảm thấy cái nóng mặt trời trên trán mình. "Anh đầu già ơi," Isaac hứa hẹn, "Tớ sẽ kiếm cho cậu chiếc mũ râm mát."
Vừa đó thì dạ dầy của Isaac càu nhàu. "Thôi được, bụng," anh ta nói, "Tớ sẽ mua cho cậu bữa ăn ngon."
Isaac trở lại cuộc hành trình của mình. Năm phút sau đó, anh ta dừng lại sững sờ. Anh ta nhìn xuống phía trước quần mình và kêu lên, "Này, anh bạn, ai bảo anh chúng ta đã kiếm được số tiền lớn đấy?"

Nguồn Osho