Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Nhân duyên của giàu nghèo

" Người là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự của Nghiệp "
- Lời Đức Phật  -



NHÂN DUYÊN CỦA GIẦU & NGHÈO
Sống ở đời, ai cũng mong được sinh vào nhà khá giả, có điều kiện học hành và tạo dựng vốn liếng làm ăn, thiết lập đời sống hạnh phúc an vui. Nhưng trớ trêu cho kiếp người là không ai có thể chọn lựa cho mình một nơi chốn để sinh ra. Sinh vào nhà cha mẹ là ai, hoàn cảnh như thế nào… là điều mà ta không thể tự quyết được, tất cả đều do nghiệp duyên quá khứ của mình dẫn dắt.
Rồi khi lớn lên, trong cuộc chạy đua tìm kiếm mưu sinh đầy biến động thì không phải ai cũng đi đến thành công. Người được gia đình hỗ trợ bước đầu về nhiều phương diện thì cũng đỡ vất vả nhưng không lấy gì đảm bảo là họ sẽ làm ăn thành đạt. Lại có không ít người khởi nghiệp từ chút vốn cỏn con hoặc thậm chí là hai bàn tay trắng, đơn thương độc mã nhưng lần hồi đã gặt hái thành quả giàu sang.
Khi đứng trước thềm vinh quang, khá nhiều người nghĩ rằng nhờ mình thông minh tài trí hơn người. Suy nghĩ như vậy không sai nhưng cạn cợt, thấy bề nổi mà chưa thấy hết bề sâu. Bởi người tài trí như mình ở trên đời không phải là hiếm, lại “có tài mà cậy chi tài”, tài trí thì đã đành nhưng phải có phước nữa mới hội đủ duyên để thành đạt.
Mọi phước đức giàu sang đều do bố thí, san sẻ với mọi người mà nên. Ngược lại, nghèo hèn do vì xan tham, keo lẫn chỉ lo cho riêng mình mà phải gánh chịu. Đức Phật đã dạy về nhân duyên sâu xa của giàu sang và nghèo hèn như sau:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có hai pháp này khiến người bần tiện chẳng được tài sản. Thế nào là hai pháp? Nếu lúc thấy người khác bố thí, liền cấm chế; lại tự mình chẳng chịu bố thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến người bần tiện không có tài bảo. Này các Tỳ-kheo, lại có hai pháp khiến người phú quý. Thế nào là hai pháp? Nếu lúc thấy người cho người khác vật, liền hoan hỷ trợ giúp; tự mình cũng thích bố thí. Ðó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp khiến người phú quý. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học bố thí, chớ có tâm tham!
- Có hai pháp khiến người sanh trong nhà bần tiện. Thế nào là hai pháp? Chẳng hiếu đễ với cha mẹ, các bậc sư trưởng, cũng không thừa sự người hơn mình. Ðó là, này các Tỳ-kheo, có hai pháp này, khiến người sanh trong nhà bần tiện. Này các Tỳ-kheo, lại có hai pháp khiến người sanh trong nhà hào tộc. Thế nào là hai pháp? Cung kính cha mẹ, anh em, tông tộc, đem của cải nhà mình bố thí. Ðó là, này các Tỳ-kheo, có hai pháp này sanh trong nhà hào tộc. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Khuyến thỉnh,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.308)
Đức Phật đã chỉ dạy rất rõ, nếu tự thân biết bố thí và hoan hỷ tán trợ hạnh bố thí của người khác chính là tác nhân chủ yếu để hưởng phước phú quý, giàu sang. Ngược lại, nếu mình không biết bố thí, tệ hại hơn còn ngăn cản người khác bố thí, thì chắc chắn sẽ chịu quả báo nghèo hèn, bần tiện. Nên trong quá trình làm ăn mà liên tục gặp thất bại, thậm chí vương phải nợ nần thì ngoài các lý do khách quan, hãy tự trách mình quá khứ không bố thí. Muốn khá lên thì cần vun bồi phước đức bằng cách tu hạnh thí xả. Giả như hiện tại không có tài vật nào đáng để cho thì hãy tùy hỷ thí - trợ giúp và hân hoan ca ngợi hạnh bố thí của người khác - may ra mới tích lũy được phước phần.
Mặt khác, song hành với bố thí thì “cung kính cha mẹ, anh em, tông tộc” chính là những tác nhân của phước báo sanh vào nhà hào tộc, có uy danh và thế lực lớn trong xã hội. Cho nên, những người con Phật chân chính hãy tự mình thực hiện hai hạnh lành bố thí và hiếu thuận, hướng dẫn cho con cháu cũng như những người xung quanh thực hành hai hạnh lành cao thượng này. Ai làm được như thế thì chắc chắn về sau sẽ được phước báo sanh vào nhà tôn quý, lớn lên gặt hái nhiều thành công phú quý, giàu sang.

Quảng Tánh
* Hồn nhiên - ảnh Đinh Trọng hải

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Thu cảm

Mướp tàn sen cũng đi tu
Lá tre đã thả một mùa heo may
Con sông không ốm mà gầy
Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn
Cuối Trời một giọt sao Hôm
Lòng anh vô cớ mà buồn đó em

Phạm Công Trứ

* Tranh Tề Bạch Thạch

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Có ai không khổ

Hai vợ chồng nhà nọ nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được ở trong nhà còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chạng vạng tối mới về, còn chó chỉ việc nằm ở cổng rào canh chừng cửa.
Một hôm nọ trâu đi làm về, thấy chó nằm trước cửa nhà phe phẩy cái đuôi trông thật sướng, đang lúc mệt nhoài nó nổi cáu bảo:
- Không có ai sung sướng bằng mày,chỉ ăn rồi nằm. Thật là đồ vô tích sự!
Con chó nghe con trâu hậm hực nặng nhẹ với mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ trâu tuy to xác nhưng không có trí. Nó bèn nói với trâu:
- Anh trâu không hiểu đâu, tôi nào có sung sướng như anh tưởng. Anh tuy làm lụng nặng nhọc ngoài đồng nhưng có giờ có giấc; sáng ra đồng, chiều lại về, tối còn được nghỉ ngơi, cứ lăn ra mà ngủ. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật sự thì mệt cầm canh đâu có ai biết. Nằm lim dim mà lòng không yên, phải để tâm canh giữ cửa nhà, không dám lơ là công việc. Nếu ngủ quên hoặc bất cẩn để xảy ra mất trộm thì tôi khó mà sống được. Đêm đêm trong khi mọi người ngon giấc, tôi có được nghỉ ngơi đâu, tôi phải lắng tai nghe ngóng, đưa mắt nhìn trông, hễ nghe có động tĩnh gì thì phải sủa to để cảnh báo. Lúc chủ nhà vui thì tôi còn được ăn no, chứ khi họ có chuyện buồn bực trong lòng thì bỏ mặc tôi đói khát, không ai để mắt quan tâm. Những lúc sân si nổi lên họ còn trút giận lên đầu tôi không thương tiếc, họ đánh họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi. Mỗi khi bạn bè, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa tôi vồ thì họ đánh tôi, chửi tôi là đồ ngu. Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ đuổi đi, ném đá đến toạc đầu đổ máu. Ngẫm lại coi, anh và tôi ai sướng hơn ai chứ?
Con trâu nghe nói thế, mới hiểu tình cảnh của con chó, nghĩ mà thương nên an ủi:
- Đúng là mày cũng không sung sướng gì. Tao với mày ở chung nhà mà chưa một lần trò chuyện với nhau nên không hiểu nhau. Bây giờ tao đã hiểu nỗi khổ của mày, mày cho tao xin lỗi. Nghe mày nói tao mới biết cả hai chúng ta đều khổ cả.
Đang nói con trâu bỗng nghe tiếng chim ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn lên rồi than thở:
- Bọn chim trời cá nước sung sướng làm sao! Chúng có thể tự do tự tại bên ngoài, không bị ai giam cầm quản thúc, không phải làm việc nặng nhọc vất vả, không phải chịu nỗi khổ của kiếp tôi đòi. Giá mà chúng ta có được cuộc sống vui vẻ như thế.
Khi ấy một chú chim nghe thấy lời trâu, bèn đáp lên lưng trâu nói:
- Anh trâu ơi, anh không biết đâu, chúng tôi cũng không sung sướng hơn các anh đâu. Tuy loài chim chúng tôi không phải giữ nhà, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc, nhưng chúng tôi cũng có nỗi khổ của mình. Hiểm họa luôn rình dập chúng tôi, những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng tôi bất cứ lúc nào. Tổ của chúng tôi làm khó khăn vất vả biết bao, chưa chắc ở được lâu vì sự phá hại của con người. Trứng chúng tôi sinh ra chưa kịp nở con thì đã bị con người lấy mất. Loài người biết thương con của mình nhưng nào biết thương con của kẻ khác. Các anh chỉ bị hành hạ, còn tôi bị cướp đi mạng sống của mình, chết rồi còn bị nhổ lông, xẻ thịt,nấu nướng, thân thể không vẹn toàn. Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, nào biết tôn trọng sự sống muôn loài. Các anh có cái khổ của các anh, chúng tôi cũng có cái khổ của chúng tôi, không có ai sung sướng cả.
Bầy cá đang ở dưới mé nước nghe trâu nói mình sướng cũng không đồng tình:
- Còn loài cá chúng tôi cũng không sung sướng đâu. Nhà cá chúng tôi thường bị loài người đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả đàn. Không nơi nào là nơi để chúng tôi yên tâm mà sống, đâu đâu cũng có lưới bủa câu giăng, đâu đâu cũng có bàn tay con người truy bắt.
Trâu nghe chim và cá nói thì ngao ngán thở dài não nuột:
- Hóa ra tụi mày cũng khổ. Hiểu biết của tao hạn hẹp quá nên không biết còn nhiều nỗi khổ trên đời này.
Nói như thế rồi trâu buồn bã đi vào chuồng,nó nằm mông lung suy nghĩ về thân phận của nó và bạn bè. Nó nghĩ, loài nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại. Cuộc đời thật bất công, loài người đối xử tệ bạc với các loài khác mà lại được sung sướng, không phải chịu sự khổ sở nào. Đang lúc đó bỗng trâu nghe tiếng quăng bát, ném đĩa trong nhà vọng ra. Nó lắng tai nghe kỹ mới biết ông bà chủ đang gây gổ. Tiếng ông chủ gào lên:
- Sao tôi khổ đến thế này, không bằng con trâu con chó nữa! con trâu đi cày còn được nghỉ, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu với nhà cửa, vợ con, cơm áo gạo tiền, làm quần quật đêm ngày không lúc nào rảnh rỗi. Tôi khổ sở như vậy là vì ai? Vậy mà bà vẫn không để cho tôi yên, hễ thấy mặt là hạch sách, càm ràm, đay nghiến. Vừa phải thôi, làm quá tôi cho cả nhà ra chuồng trâu mà ở!
Nghe chủ nhà nói thế trâu bỗng giật mình, bất giác than rằng:
- Hóa ra sống ở trên đời đâu có ai không khổ!
-st-
* “ Mục đồng ” - tranh sơn dầu của họa sĩ Thành Chương

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Thay lá


Đã lâu rồi
Anh chẳng nhìn em
Như cái thời ấy nữa
Sao lại thế?
Người ơi sao lại thế?
Câu bàng cũ đã bao lần đổi lá
Búp lại xanh ngơ ngác thủa ban đầu
Hãy chớp mắt nhìn nhau
Cho mùa lá rụng
Để cái nhìn lên búp non tơ
Mơn mởn chồi xanh trên cành cổ thụ
Anh sẽ lại thấy em
Như thủa ban đầu
Hãy chớp mắt đi anh
Cho cái nhìn thay lá


Lê Trung Nguyệt

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Trung Thu


* Tranh Tết trung Thu xưa của họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Mai Văn Nam

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Chữ nho, nên để hay nên bỏ


 Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền


CHỮ NHO, NÊN ĐỂ HAY NÊN BỎ ?
(Faut-il ou non garder les caractères chinois?)
Có một điều ấy, bao nhiêu người nghị-luận, mà nghị-luận mãi không ra mối, cũng chỉ vì thường cứ bàn bạc nên bỏ, hay không nên bỏ, nhưng mà để là để thế nào, để ở đâu: nên bỏ thế nào, nên bỏ ở đâu, không hay bàn cho dứt-khoát, cho nên cứ bối-dối mãi. Người nói rằng bỏ đi là phải, vì học chữ nho mất hàng nửa đời người, mà trăm người học, không được một người hay; học được hay cũng chỉ ích lấy một mình, không đem ra mà dùng cho đời được nhờ cái học-vấn của mình chẳng qua là một cái thú rung-đùi mà thôi. Người nói rằng để lại là phải, vì não-chất cuả người an-nam đã mấy mươi đời nay nghiền bằng đạo Khổng Mạnh; phong-tục, tính tình, luân-thường, đạo-lý, đều là ở đạo Nho mà ra cả. Vả lại tiếng An–nam ta nói, ước có nửa phần do chữ-nho mà ra. Lại nói rằng lối học nho là một lối, tuy không tiện, nhưng mà muốn bỏ đi, thì phải có lối nào mới, tiện hơn mà đem thế vào. Nay lối mới chưa nghĩ được tuyệt–diệu, mà đã bỏ đì thi ra bỏ cái nền cũ, mà chưa có cái gì mới thay vào sốt cả.
Hai bên nói như thế, nghe ra cũng phải cả, thế mà cứ nói mãi, thì ra kéo dài trong trăm năm một câu truyện dằng-co.
Trước hết tưởng hay nên phân ra hiện việc học của người An-nam, ngày nay có mấy lối, mấy đằng; đằng nào nên để cho học chữ nho, mà đằng nào nên bỏ chữ-nho đi.
Sau lại nên xét xem chữ-nho bây giờ đối với dân ta, đối với việc học của người An-nam, thì là thế nào, là cái gì?
Giả nhời rằng: chữ-Nho là một lối văn-tự cũ cuả nước Tầu, là một nước cho ta mượn văn-minh, phong-tục, tính-tình; chữ ấy sang đến nước ta, đổi cả cách đọc, đổi cả lối dùng, mà lại thấm nhiễm vào tiếng-nói của nước ta; lại thành ra một thứ văn riêng cuả đám thượng-lưu ta dùng, tuy là mượn cuả Tầu, mà có điệu riêng, hay dở không giống như hay dở cuả văn Tầu.
Thế thì cái địa-vị chữ-nho ở nước ta cũng khác nào như địa-vị chữ la-tinh ở bên nước Đại-pháp.
Dẫu ra như thế rồi, thì muốn giải cái vấn-đề: nên để hay nên bỏ chữ nho? cứ việc xem bên nước Đại-pháp đãi chữ la-tinh thế nào, thì ta nghĩ ra được ngay cách nên đãi chữ nho như thế.
Bên Đại-pháp, chữ la-tinh là gốc phần nhiều tiếng-nói nước nhà, văn-chương dựa lối la-tinh, cho nên ai học khoa ngôn-ngữ, các bậc vào cao-đẳng học, phải học tiếng la-tinh, phải nghiền văn-chương cổ la-tinh; ngôn-ngữ văn-từ bên Tây mà pha tiếng la-tinh vào cũng như bên ta người nói nôm thỉnh thoảng pha mấy câu chữ-sách. Còn người làm ăn, đi học qua bậc sơ-đẳng gọi là biết đủ nhân-cách, biết đọc, biết viết, thì tuy rằng tiếng nói cuả mình do tiếng la-tinh mà ra, nhưng không cần phải biết chi đến gốc rễ xa xôi ấy. Không ai dám bảo rằng: không học tiếng la-tinh thì không học được tiếng Đại-pháp bao giờ.
Thế thì chữ nho đối với tiếng An-nam mình cũng vậy.
Ai chuyên học văn-chương, tuy rằng phải gây cho An-nam mình có văn-chương riêng, nhưng mà cũng phải học lấy cái văn-cũ, phải biết lịch-sử văn-chương cuả nước mình, phải biết gốc tích tiếng nói mình, thì mới hay được, thì mới gây được cho văn mình mỗi ngày một hay lên. Trong tiếng ta nhan-nhản những chữ-nho, dùng đến những chữ ấy, mà chẳng sao đừng dùng được, tất phải học tận căn-nguyên nó, mới biết hết nghĩa nó được, về sau có làm tự-vị, tự-điển tiếng an-nam, thì mới có cách biện-nguyên mà cắt nghĩa từng tiếng cho đúng được.
Còn những người thường, con nhà làm-ăn đến tuổi cho vào tràng sơ-đẳng học (mới định nhưng thực còn chưa có) cốt để học lấy biết đọc, biết viết, biết lễ phép, phong-tục, địa–dư, cách–trí mỗi thứ mỗi người gọi là phải biết qua-la một đôi chút, cho người nó khỏi như lũ xá-dại, ngây ngô chẳng biết chi chi. Hạng ấy thì cho học chữ-nho mà làm gì? Nhân-thân hạn sơ-đẳng học có ba năm giời, mà lại còn chiều tục cũ, bắt học thêm chút chữ nho, thì thực là làm uổng thì-giờ cho trẻ con, không được việc gì. Chữ nho không phải là một lối chữ học gọi-là được. Đã biết phải biết hẳn, không biết thì thôi, biết răm ba chữ, học một vài năm, thì có biết được mấy chữ cũng không được việc gì.
Chớ có nói rằng, trong tiếng nói an-nam có nhiều chữ nho, thì phải bắt trẻ con học lấy vài ba chữ nho. Phàm chữ nho nào đã lẫn vào với tiếng-nói thông dụng, thì là những chữ thành ra tiếng an-nam rồi, dẫu không học sách nho cũng biết nghĩa nó là gì.
Có kẻ bảo rằng nếu không cho trẻ con học chữ-nho nữa, thì nay phải cho học ít nhiều tiếng Đại-pháp. Ấy cũng là một cách làm cho trẻ con mất thì giờ vô ích.
Việc học ta ngày nay nhà- nước đã phân hẳn ra làm hai lối. Một lối Pháp – việt-học để cho trẻ con học chữ Pháp, có từ sơ-đẳng cho tới trung-đẳng học. Nhà ai có con muốn học tiếng Đại-pháp, học-thuật Đại-pháp, văn-chương Đại-pháp, thì đã có tràng Pháp-việt. Tùy gia-tư mà theo học, muốn cho biết gọi-là để đi làm việc, hoặc là để buôn bán giao-thiệp với người Đại-pháp, thì cho vào các tràng Pháp-việt sơ-đẳng học, xong sơ-đẳng rồi, lại còn một khoa học lấy tốt-nghiệp nữa. Ai có của, muốn cho con học theo lối Đại-pháp, cũng được thi tú-tài, thì đã có tràng trung-đẳng mới mở ra ở Hà-nội, học phải mất tiền, muốn vào hạng học-sinh, một ngày hai buổi đến học cũng được; muốn vào hạng lưu-học-sinh, ăn ngủ ở tràng mà học cũng được.
Lối thứ hai là lối học riêng cuả dân an-nam, đặt ra cho phần nhiều, cho trẻ con các nhà-quê, thực là một lối mới, xưa nay không có, vì lối học nho ngày xưa, không phải là một lối học phổ-thông, thực là một lối học đi làm quan Tàu, với cũng như lối Pháp-việt học bây giờ là lối học đi làm việc với nhà-nước Đại-pháp. Nhưng ai cũng muốn làm quan cả, cho nên ngày xưa đua nhau học nho thế nào, từ nay giở đi đua nhau học vào lối Pháp-việt cũng thế!
Còn lối học riêng mới, cũng đặt ra tiểu-học, trung-học, lấy quốc-ngữ làm gốc, mà học cách-trí, vệ-sinh, địa-dư, phong-tục, mỗi thứ một đôi chút, để gây cho lấy nhân-cách cuả phần nhiều người trong dân an-nam, thì xét ra thực là một lối nhà-nườc bảo-hộ mới gia ân đặt ra, không tỉ được với lối học nho cũ, mà cũng không tỉ được với lối học Pháp-việt.
Trong lối học ấy phải có hai bậc, một bậc sơ-đẳng để cho trẻ con mới lớn lên, học lấy biết gọi-là mỗi thứ một chút. Trong bậc ấy, học có ba năm, tưởng không nên dạy chữ nho, mà cũng không nên dạy chữ Pháp một tí nào. Còn bậc trung-đẳng, để đi thi cử, để nên cho những bậc có tài riêng tiếng an–nam ngày sau, chẳng phải hay chữ nho, mà cũng chẳng phải thông chữ Pháp, thực là những người thông chữ Ta, thì phải có học chữ Nho và chữ Pháp, chữ nho để mà am hiểu lịch sử nước mình, văn-chương nước mình, do ở đó mà ra; chữ Pháp là chữ cuả nước Bảo-hộ ta ngày nay, là chữ cuả ông thầy mới, mình trông mong mà học lấy thuật hay.
Nhà nước Đại-pháp đặt thêm ra lối học ta ấy, thực đã tỏ ra lòng ngay thực với ta, muốn cho ta giữ được mãi quốc-thúy, vì nếu nhà-nước cứ bắt ta học chữ Đại-pháp mới được làm quan làm việc, thì chắc ta cũng phải vì lợi mà theo học cả, như là ông cha ta ngày xưa vì lợi, mà theo học nho.
Nhà–nước định ai có bằng tuyển-sinh mới được vào tràng Pháp-việt ấy là giữ cho dân thế nào cũng phải theo lối học ta làm gốc trước đã, thực là đặt ra lối quốc-học, mà lại khiến cho người trong nước phải học theo quốc-học.
Trung-đẳng học ta thì nên bắt học cả chữ nho và chữ Pháp, nhưng Pháp–việt-học, thì lại nên bỏ đứt chữ nho đi. Lối học ta mới, còn gần lối học nho ngày trước, cho nên học chữ nho được kỹ. Mà chữ-nho đã học không học dối được, ở các tràng Pháp-việt mà đem dạy chữ nho thì dạy buổi nào, học-trò thiệt mất buổi ấy. Phàm trẻ-con an-nam đã vào học Pháp-việt, toàn là đi học cướp-gạo cả, chỉ muốn chóng thông tiếng Đại-pháp mà đi làm việc hoặc để buôn bán với người Đại-pháp. Họa là mới có một hai người, học tiếng Đại-pháp để mà, tốt-nghiệp chi hậu, lại còn chăm vào việc học cho quán thông lịch-sử, luân-lý cũ nước Nam. Bởi thế ở các tràng Pháp-việt, cứ hôm nào đến phiên mấy thầy giáo chữ nho dạy, thì học-trò như là một buổi phải nghỉ, ngồi mà ngủ gật, trong khi thầy giáo viết lên bảng những bài học nhỡ-nhàng, dễ quá cho kẻ biết rồi, khó quá cho kẻ chưa biết.
Tổng kết lại, thì chữ nho chỉ còn nên giữ lại để mà dạy ở khoa trung-đẳng nam-học mà thôi, đợi mai sau khi nào có cả khoa cao-đẳng nam-học, hoặc khoa ngôn-ngữ văn-chương ở cao-đẳng, bấy giờ mới lại có nơi khác phải dùng đến chữ nho.
Bây giờ trẻ con xin nhất quyết đừng cho học chữ nho nữa, mà các tràng Pháp–việt cũng xin bỏ lối dạy chữ nho đi.



Nguyễn Văn Vĩnh
Đông Dương Tạp chi số 31, ngày 22.12.1913

* Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông là người có công lớn trong việc hoàn thiện và phổ cập chữ quốc ngữ.
Bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh được đăng tải cách đây đã hơn 100 năm, văn phong tiếng Việt được thể hiện từ khi chữ Quốc ngữ chưa được dùng là văn tự chính thức của dân tộc Việt, vì vậy, việc chúng tôi chép lại từ tờ báo Đông Dương Tạp Chí số 31, phát hành ngày 22.12.1913 tại Hà Nội, được tuyệt đối chú ý, trung thành với bản gốc, nhằm đảm bảo tính nguyên bản đối với nội dung mà tác giả đã trình bày. Gần đây dư luận lại dấy lên những tranh luận, bàn thảo về việc dạy và học chữ Hán ở Việt Nam .Nhận thấy đây là một minh chứng sinh động của các bậc tiền nhân, thể hiện quan điểm đối với vai trò của chữ Hán trong lịch sử Việt Nam, chúng tôi xin kính chuyển đến các độc giả bài viết này, để cùng nhau khảo cứu, chiêm nhiệm về một đề tài đã luôn làm cho xã hội phải dành rất nhiều thời gian bàn luận. Qua đó, giúp cho các thế hệ người Việt có cơ sở đánh giá đúng tính tư tưởng và nhãn quan xã hội của các nhân sĩ Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, khi mà chữ Quốc ngữ đang cạnh tranh gay gắt với chữ Nho, dành vị thế độc tôn trong việc hình thành nền văn học riêng của người Việt. Bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh cũng xác định rõ quan điểm minh bạch của tác giả về thái độ ứng xử trước chữ Nho, tuyệt đối không có sự hạ thấp hay coi thường như luận điệu của một nhóm người thiếu thiện chí, từng mượn cớ thóa mạ Nguyễn Văn Vĩnh là kẻ tội đồ trong việc động viên cuộc cách mạng văn hóa, đẩy chữ Quốc ngữ soán ngôi vị của chữ Nho, làm đứt mạch văn hóa Hán Nôm của dân tộc Việt.
BBT Tannamtu.com

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Tiên đoán tương lai


TIÊN ĐOÁN TƯƠNG LAI
Lần nọ có một đệ tử của Ajahn Chah đến bạch xin Ngài đoán giùm vận mạng  cho mình. Ngài nói, “sư chơn chánh không bói toán”. Nhưng ông này cứ nài nỉ và kể công đã bao lần đặt bát cho Ngài, cúng dường tự viện Ngài, đưa Ngài đi bằng xe và xăng nhớt của ông, phục vụ Ngài bất kể công ăn việc làm của gia đình ông. Thấy đệ tử này quá muốn biết chuyện tương lai của mình, Ajahn Chah nói Ngài lấy một quyết định ngoại lệ đối với giới luật cấm bói toán và bảo:
- “Đệ tử xòe tay để thầy coi cho”
Vị đệ tử vô cùng hoan hỷ vì biết rằng Ajahn Chah hồi nào tới giờ có coi tay cho ai đâu. Âu là một ân huệ đặc biệt Ngài dành cho ông. Hơn thế nữa, ông nghĩ, Ngài là một thánh sống có thần thông, đoán gì là chắc chắn có nấy. Ajahn Chah cầm tay ông, dùng ngón trỏ vẽ lên các chỉ tay ông và thỉnh thoảng tự nói nho nhỏ với mình, “Ồ, rất hay!” hoặc “Tốt, tốt, tốt!” hoặc “Tuyệt diệu!” Ông đệ tử đáng tội đang hồi hộp chờ.
Một lát sau Ajahn Chah rút tay mình về và nói:
- “Này đệ tử, đây là những gì sẽ xảy đến cho ông”
- Dạ..dạ, thưa Ngài... Ông này lắp bắp.
- “Và thầy không bao giờ sai” Ajahn Chah nói tiếp.
- Thưa Ngài con biết, con biết. Vậy tương lai của con thế nào?. Ông bạch với lòng mừng vui phấn khởi.
- “Tương lai của con không chắc chắn,” Ngài đáp.
- ! ! !
Và, Ngài không sai!

- st - 

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Tôi đi học


“ ..lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường..”


Tôi đi học

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.
Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.
Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.
Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:
- Mẹ đưa bút thước cho con cầm.
Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:
- Thôi để mẹ nắm cũng được.
Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.
Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.
Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần. Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.
Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp. Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:
- Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại). Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.
Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:
- Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.
Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.
Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.
- Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.
Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.
Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.

Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.

Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:
Bài tập viết: Tôi đi học !

Thanh Tịnh

*Nhà thơ Thanh Tịnh (1911-1988) quê ở ngoại ô thành phố Huế, tên khai sinh là Trần Văn Ninh, lên 6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh. Thanh Tịnh học tiểu học và trung học ở Huế, từ năm 1933 bắt đầu đi làm nghề hướng dẫn viên du lịch rồi vào nghề dạy học. Đây cũng là thời gian ông bắt đầu sáng tác văn chương.Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Thanh Tịnh đã có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực: truyện ngắn, truyện dài, thơ, ca dao, bút kí văn học,... song có lẽ thành công hơn cả là truyện ngắn và thơ.

* Trẻ em miền Bắc thời kháng chiến chống Mỹ