Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Vui Trung Thu

Có con Sư Tử vui múa quanh vòng quanh




BÀI THƠ VỀ GIÁO DỤC
Nếu trẻ em sống chung với sự chỉ trích, chúng sẽ học biết kết án
Nếu trẻ em sống chung với sự phản đối, chúng sẽ học biết tranh đấu
Nếu trẻ em sống chung với sự sợ hãi, chúng sẽ học biết lo lắng
Nếu trẻ em sống chung với sự trắc ẩn, chúng sẽ học biết đồng cảm
Nếu trẻ em sống chung với sự lố bịch, chúng sẽ học biết để trở nên người nhút nhát
Nếu trẻ em sống chung với sự đố kị, chúng sẽ học biết để thực hành sự ghanh tị
Nếu trẻ em sống chung với sự xấu hổ, chúng sẽ học biết nhìn nhận lỗi lầm
Nếu trẻ em sống chung với sự khích lệ, chúng sẽ học biết để trở nên người vững tin
Nếu trẻ em sống chung với sự nhẫn nại, chúng sẽ học biết để trở nên người kiên nhẫn
Nếu trẻ em sống chung với sự khen ngợi, chúng sẽ học biết thán phục
Nếu trẻ em sống chung với sự chấp nhận, chúng sẽ học biết yêu thương
Nếu trẻ em sống chung với sự ưng thuận, chúng sẽ học biết ưa thích
Nếu trẻ em sống chung với sự công nhận, chúng sẽ học biết để có một hoài bảo tốt
Nếu trẻ em sống chung với sự chia sẽ, chúng sẽ học biết để trở nên người quãng đại
Nếu trẻ em sống chung với sự trung thực, chúng sẽ học biết để trở nên người thành thật
Nếu trẻ em sống chung với sự tử tế, chúng sẽ học biết đâu là lẽ phải
Nếu trẻ em sống chung với sự lễ độ và quan tâm, chúng sẽ học biết tôn trọng
Nếu trẻ em sống chung với sự an toàn, chúng sẽ học biết để có niềm tin nơi chính chúng và nơi tha nhân
Nếu trẻ em sống chung với tình nhân ái, chúng sẽ học biết rằng thế giới là một nơi tốt đẹp mà chúng đang sống.

Dorothy Law Nolte
 

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Cô đơn

Ta lại về nơi
không ai chờ đợi
chỉ nỗi buồn
tựa cửa thờ ơ
Hoa giấy rơi
thảng thốt trước nhà
những mảnh trời vừa nguội

Chiều buông
bóng ta đổ về ta
nhức nhối
Bụi đường
Tóc rối
Lược cũng hững hờ

Ta về nhen lại những ước mơ
ngùn ngụt cùng hoa giấy nở
Giữa những cánh hoa
những tàn tro
ta nhặt nỗi cô đơn còn ấm lửa.

Nguyễn Bảo Chân

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Tên Hămđi biệt hiệu Con voi đã bị bắt như thế nào?


Từ sở cảnh sát Xtămbun người ta gửi cho tất cả các quận cảnh sát một bức điện như sau:
“Lợi dụng lúc hai người cảnh sát của chúng ta trên đường đi áp giải ngủ gật, vì suốt ba ngày ba đêm phải canh gác liên tục, tên đạo chích đại bợm đã nhiều lần tái phạm, biệt hiệu “Voi Hămđi”, đã tẩu thoát. Y trạc 35 tuổi, vóc người cao lớn, cân nặng 200 kilô, tóc hung nhạt, miệng mất ba chiếc răng, hàm trên có một chiếc đổ chì, hàm dưới bên trái có một chiếc nanh bịt vàng, mặc quần áo nâu kẻ sọc, tóc hơi thưa, mặt tròn, mắt màu hạt dẻ. Qua điều tra, Sở đã có đầy đủ chứng cớ để xác nhận rằng y đã bỏ chạy. Vậy thông tri để các quận biết, nếu quận nào thấy tên “Voi Hămđi” xuất hiện tại địa phận thuộc quận mình cai quản, hoặc giả nếu y có đến gặp một viên chức cảnh sát nào để hỏi thăm, thì các quận báo cho y biết rằng, chúng ta yêu cầu y đừng làm cho chúng ta thêm vất vả, mà nếu có dịp nào thuận tiện thì hãy đến đầu thú tại Sở cảnh sát Xtămbun. Kèm theo đây là ảnh của tên trộm nhiều lần tái phạm, biệt hiệu “Voi Hămđi”.
Trên sân ga thuộc một đồn cảnh sát, hai nhân viên cảnh sát nói chuyện với nhau:
– Ramadan này, cậu nhìn cái thằng cha đang uống xalép kia xem, có lẽ đúng hắn là “Voi Hămđi” cũng nên!…
– Hừm! … Trông cũng hao hao… Đưa ảnh hắn đây nào!
Viên cảnh sát rút trong túi ra một chiếc ảnh đưa cho bạn.
– Ồ, không phải, đây là cậu chứ Ramadan!
– Ừ nhỉ, ảnh tớ chụp hôm nghỉ lễ đấy! Trông được không?
– Cũng được. Nhưng đáng lẽ cậu phải cười lên một tí. Thôi lấy ảnh tên “Voi Hămđi” ra xem nào!
Ramadan rút ra một tập ảnh và loay hoay tìm.
– Đây là ảnh con trai tớ. Nó chụp hồi đi lính. Còn đây là ai cậu biết không, Macmút?
– Trông như thằng cha buôn lậu thuốc phiện Đunman Ali ấy!
– Còn đây là một con “chuột cống” ở khách sạn Suphi.
– Chà, ảnh lẫn lộn lung tung cả!
– Thôi, tìm ảnh “con voi” ấy đi mau lên!
Macmút và Ramadan lúi húi giở tập ảnh.
– Nhanh lên Macmút, hắn uống hết xalép rồi, sắp chuồn bây giờ!
– Xem kìa, hắn nhìn quanh có vẻ lấm lét lắm!
– Đây rồi, ảnh đây! Đúng hắn rồi!
Nói đoạn, hai viên cảnh sát tiến lại phía người có dáng điệu khả nghi.
– Ê này, anh bạn, đứng yên đấy!
Họ hết ngắm bức ảnh lại ngắm người.
– Nghiêng người đi một tí xem nào, anh bạn!
– Hình như không phải hắn, Ramadan ạ!
– Cứ dẫn về cho ông đồn trưởng ông ấy xem. May ra ông ấy nhận diện được hắn.
– Nào anh bạn, đi thôi! Về đồn với chúng tôi!
Tại một nơi khác, hai viên cảnh sát nói chuyện với nhau trước cửa chợ:
– Thật xấu hổ, Suycruy ạ! Chúng mình lùng sục suốt từ sáng đến giờ mà vẫn không tìm được cái thằng “Voi Hămđi” ấy!
– Này, hay là nó kia kìa!
– Đâu? Ừ, có khi đúng hắn cũng nên. Cứ hỏi thử xem.
– Xin ông cho biết tên.
– Mustapha.
Hai viên cảnh sát thì thầm:
– Hắn bảo tên là Mustapha.
– Thì chẳng lẽ hắn nói thẳng với cậu : Tôi là “Voi Hămđi” à?
– Phải, tên này bợm lắm chứ chả phải vừa!
– Thôi, mời ngài cứ theo chúng tôi!
Trong một tiệm càphê thuộc quận khác, hai viên cảnh sát tâm sự với nhau:
– Hôm qua tớ tìm được ba gã “Voi Hămđi” thế mà chẳng gã nào vừa lòng ông đồn trưởng cả!
– Thì tớ đã bảo cậu là ông ấy khó tính lắm mà!
– Suỵt! Cậu thử nhìn cái thằng cha đang uống chè kia xem kìa!
– Thôi đích hắn rồi!
– Nhưng trong giấy nói là hắn to béo cơ mà. Còn thằng cha này thì gầy nhom!
– Hắn mới bị gầy đi đấy! Trốn tránh như thế khổ lắm chứ sung sướng gì!
– Ừ phải, … nhưng thằng cha này tóc đen, mà “Voi Hămđi” hình như tóc hung nhạt.
– Thì cậu bảo lang thang khắp nơi các bờ bụi, nắng gió như thế, làm gì tóc chả đen đi!
– Thì đã đành rồi! Nhưng có cái tóc thằng cha này nó lại đen nhánh và rậm quá cơ! Mà trong giấy thì nói là “Voi Hămđi” tóc thưa kia mà!
– Có thể là hắn đeo tóc giả để người ta khỏi nhận ra cũng nên.
– Thôi, thế ta còn đứng đây làm gì nữa, lại bắt thằng bợm đi thôi!
Họ lại gần người kia:
– Anh tên gì?
– Hămđi.
Hai cảnh sát nhìn nhau một cách đầy ý nghĩa rồi phá lên cười:
– Thế thì về bót, đi!
Trên một khúc đường nhựa, hai người cảnh sát bắt giữ một người qua đường.
– Há miệng ra!
– Trong miệng tôi có gì đâu!
– Không có thì cứ yên chí mà há ra!
Người đi đường há miệng. Hai viên cảnh sát khám hàm răng anh ta. Người nọ hỏi người kia:
– Này, xem lại trong giấy xem Con voi ấy mất mấy cái răng?
Người kia đọc:
– Mất ba cái răng, hàm trên có một chiếc đổ chì, hàm dưới bên trái có một chiếc nanh bịt vàng…”
Viên cảnh sát đếm răng người qua đường:
– Một, hai, ba, bốn… Đừng cựa quậy. Nhấm hết rồi! Một, hai, ba, bốn, năm… hai mươi bốn! Hắn có hai mươi bốn cái răng.
– Hai mươi bốn à? Thế thì thiếu mấy cái nhỉ? Này, anh có biết anh thiếu mấy cái răng không?
– Tám cái.
– Hắn nhổ bớt răng đi để người ta khỏi nhận ra đấy.
– Thưa ông cảnh sát, răng tôi toàn là răng giả cả, không có một chiếc răng thật nào đâu ạ!
– Này cậu xem lại trong giấy có nói gì đến răng giả không?
– Không thấy nói gì cả. Chắc họ quên đấy. Nhưng tớ thề rằng đúng hắn là “Voi Hămđi” đấy. Cứ nhìn hàm dưới của hắn mà xem! Cả răng bịt vàng là gì đây! Thôi, mời ông đi theo chúng tôi.
– Đi về đâu ạ?
– Về bót, mau!
Mỗi ngày, Sở Cảnh sát Xtămbun nhận được hàng trăm bức điện từ khắp các quận cảnh sát gửi về, nội dung đại khái như sau:
“Phúc đáp bức điện số… ngày…
Quận chúng tôi đã bắt giữ được 14 tên Hămđi, cả 14 tên đều mặc quần áo kẻ sọc, tám tên có răng nanh bịt vàng. Vậy yêu cầu Sở cho biết con số đó đã đủ chưa, hay còn phải tiếp tục tìm thêm?”
Hoặc như sau”
“Phúc đáp bức điện số… ngày…
Hiện nay, tại quận chúng tôi có giam hai tá “Voi Hămđi” cân nặng từ 180 đến 220 kilô. Sở dĩ có sự chênh lệch về trọng lượng như vậy, có thể là vì cân không được chính xác. Tất cả bọn này mắt đều màu hạt dẻ. Không còn gì nữa, chúng đều là “Voi Hămđi cả”. Những tên bị bắt đã được giải đi. Quận chúng tôi đang tiếp tục truy nã thêm. Nếu tìm được, chúng tôi xin giải tiếp về Sở sau. Nay kính cáo”.
Điện của Sở cảnh sát Xtămbun gửi các quận cảnh sát:
“Hiện nay, tất cả các nhà giam đều đã chật ních. Số “Voi Hămđi” bị bắt coi như đã đủ.
Sở xin gởi lời cảm tạ tất cả các quận và yêu cầu ngừng việc truy lùng và bắt bớ các tên “Voi Hămđi” cho đến khi có lệnh mới”.
Bị chú: Tên “Voi Hămđi” ngay hôm tẩu thoát đã bị bắt.
Azit Nexin

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Dễ vỡ

DỄ VỠ
Có một tu sĩ Thiên Chúa Giáo gởi một bộ Kinh Thánh cho người bạn. Vị linh mục gói Kinh Thánh lại thật kỹ, thật đẹp. Ông ta đi ra bưu điện gởi quà, và nhân viên bưu điện hỏi: 
"Thưa Cha, có cái gì dễ vỡ trong này không ạ?"
Vị linh mục mỉm cười:
"Có, có ... Mười Điều Răn của Chúa!"


- st -

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Cao thủ

CAO THỦ
Một nông dân mua được một chú gà trống rất hăng. Gà ta đạp mái hết gà mái rồi tới vịt mái khiến chúng đẻ liên tục, nông dân nọ rất hả hê. Một bữa, ông ta đi làm đồng về thấy gà trống đang nằm xụi lơ trên bãi cỏ sau nhà, bên trên là mấy con quạ đang chờ ăn xác. Người nông dân thương xót than thở:
- Ôi chú gà tội nghiệp! Sao mày vội bỏ tao mà đi sớm vậy?!
Gà trống mở hé mắt nói:
- Ông đi chỗ khác đi kẻo lũ quạ mái bay hết mất bây giờ!

- ! ! !

- st -

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Tống biệt hành


Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn ( nhớn ) chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót (*).

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say ( cay ).

Mây thu đầu núi, gió lên trăng (**)
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng đời xô động, tiếng hồn câm ( hờn căm ) (***).

Thâm Tâm
(1940)
* Chú thích:
(*) Có bản chép là "dòng lệ xót".
(**) Có bản chép là "giá lên trăng".
(***) Khổ cuối bài thơ thường không được biết đến. Theo "Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95" (Hà Nội, 1989), trong một bản in "Tiểu thuyết thứ Bảy" (1940) có đoạn này.
Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc
Tiếng đời xô động, tiếng lòng câm.[1]