Đã có nhiều sử gia phương Tây viết về Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, với
hàng chục tác phẩm được công bố trong suốt hơn 50 năm qua. Dù khách quan hay
còn định kiến, các tài liệu đó cũng bổ sung cho chúng ta nhiều thông tin tương
đối xác tín về cuộc sống, tư duy và hành động của những nhân vật nổi tiếng
đương thời.Có thể liệt kê một số lượng không
nhỏ các công trình nghiên cứu chuyên sâu của phương Tây về lịch sử Việt Nam,
trong đó nhắc tới Cách mạng Tháng Tám như một sự kiện đặc biệt quan trọng. Chẳng
hạn, các cuốn: Histoire du Việt Nam de 1940-1952 (Phillip Devillers,
1952), Vietnam: Sociologie d"une guerre (Paul Mus, 1952), Vietnam:
The Origins of Revolution (John McAlister, 1969), Vietnam: A History
(Stanley Karnow, 1981), The Vietnamese Revolution of 1945 - Roosevelt, Ho
Chi Minh and de Gaulle in a World at War (S. Tonnesson, 1991), Vietnam
1945: the Quest for Power (David Marr, 1995).Tác phẩm gần đây nhất mà độc
giả Việt Nam được biết, liên quan tới Cách mạng Tháng Tám, có lẽ là cuốn Ho
Chi Minh: A Life của William J. Duiker, công bố vào tháng 10/2000.
Mỗi sử gia một góc nhìn
Một điểm thú vị
là không phải tất cả các tác giả đều là sử gia chuyên nghiệp. Dường như chính
điều đó khiến mỗi người có cách tiếp cận khác nhau về mỗi sự kiện, biến cố lịch
sử.
Có những cuốn
sách, ví dụ Histoire du Việt Nam và Vietnam: A History là do các
nhà báo từng có mặt trong chiến tranh Việt Nam viết nên.
Hoặc cuốn Vietnam:
Sociologie d"une guerre của Paul Mus, một học giả về châu Á, cố vấn
của Cao ủy Pháp tại Sài Gòn Emile Bollaert. Ông Mus từng gặp Hồ Chủ tịch ở
chiến khu để tìm kiếm cơ hội “điều đình” với Chính phủ Việt Nam.
Đó là vào tháng
5/1947, Paul Mus đi từ Hà Nội lên chiến khu gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang theo
một số đề nghị từ phía Pháp, rằng Pháp đồng ý ngừng bắn với một số điều kiện
như: Việt Minh hạ một phần vũ khí, cho phép quân đội Pháp đi lại tự do trong
vùng Việt Minh…
Hồ Chủ tịch hỏi
Paul Mus: “Ở địa vị tôi, ông có chấp nhận như thế không?”. “Không”
– Mus đáp. Và Hồ Chủ tịch đã bác bỏ các đề nghị “cầu hòa” đó của phía Pháp.
Câu chuyện này
được nhà báo Mỹ Stanley Karnow thuật lại trong cuốn sách của ông. Karnow cũng
đánh giá Paul Mus là “có tình cảm với Việt Minh”. Về phần mình, Mus được
coi là người đầu tiên đã phân tích nguyên nhân xã hội - chính trị sâu xa của
Cách mạng Tháng Tám, ngay từ năm 1952.
Theo Mus – từ
giác độ một nhà nghiên cứu châu Á và ủng hộ hòa bình ở Đông Dương - chính quyền
thực dân Pháp phải chịu trách nhiệm về việc đã phá vỡ cơ sở và cấu trúc kinh tế
- xã hội của Việt Nam, khiến Việt Nam trở thành một dân tộc mất cân bằng; và
Cách mạng Tháng Tám là cách người Việt Nam lập lại thế cân bằng đó.
Tuy nhiên, khác
với Paul Mus, một người cùng thời với ông là ký giả Pháp Phillip Devillers lại
cho rằng “cuộc cách mạng không phải là sự bùng nổ… Chỉ có một sự hội tụ kỳ
lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được”. (1)
Các điều kiện ấy
là Nhật đảo chính Pháp, nạn đói năm Ất Dậu, tình trạng (gần như) vô chính phủ ở
Việt Nam. Theo Devillers, nếu không có “sự hội tụ kỳ lạ” những việc này,
Việt Minh “khó có cơ may... để thắng được cấu trúc mạnh mẽ của Pháp...”.
Gần tương đồng với quan điểm này của
Devillers, nhà sử học Nauy S.Tonesson đưa ra khái niệm “khoảng trống quyền
lực”, xuất hiện từ lúc Nhật thế chân Pháp tại Đông Dương nhưng lại bại trận
phải đầu hàng Đồng minh. Ông nhận định trong cuốn The Vietnamese Revolution
of 1945 - Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War:
“Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực, các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã mời Việt Minh giành chính quyền”.
“Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực, các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã mời Việt Minh giành chính quyền”.
Sử gia người Mỹ
William Duiker lại trình bày các nguyên nhân dẫn đến Cách mạng Tháng Tám một
cách hết sức thực tế: “Rõ ràng là nạn đói ở miền Bắc và Trung Việt Nam, kéo
dài dai dẳng từ mùa đông trước, đã tạo ra một tình thế thuận lợi cho các lực
lượng cách mạng…
Đói kém tràn
lan đã tạo ra cơ hội ngàn vàng cho Việt Minh. Họ tiếp tục khuyến khích nông dân
đang bị đói, ở những khu vực mà họ đã giải phóng, phá các kho thóc công để chia
cho dân nghèo…
... Trong khi
đó, lạm phát đang tăng rất nhanh… Với chi phí sinh hoạt lên cao và tình trạng
khan hiếm lương thực tiếp diễn, nhiều người dân trung lưu ở Hà Nội và các thành
phố lớn bắt đầu để ý đến Việt Minh, và thậm chí một số đã mua “trái phiếu cách
mạng” để gây cảm tình với chính quyền cách mạng tiềm tàng trong tương lai”. (2)
Tuy nhiên, cho
dù có những khác biệt trong đánh giá về nguyên nhân và bản chất của Cách mạng
Tháng Tám, các sử gia đã gặp nhau khi chỉ ra trong cuốn sách của họ vai trò to
lớn của Mặt trận Việt Minh, tinh thần dân tộc của thời đại, cũng như tầm tư
tưởng vươn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ Chủ tịch -
nhà cách mạng của thời đại
Không có gì quá
lạ khi hai sử gia người Mỹ Stanley Karnow và William Duiker dành nhiều dòng để
viết về mối quan hệ Việt Nam - Mỹ từ thời “xa xôi” 1945-1946. Hai ông cũng nói
nhiều về thái độ nhìn nhận và cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với
những đại diện cho Washington ở Việt Nam thời kỳ ấy.
Chẳng hạn, nhà
báo Stanley Karnow đã viết tương đối kỹ về một thời gian mà Hồ Chí Minh phải
chèo lái con thuyền cách mạng để giữ vững nền độc lập trong một bối cảnh quốc
gia và quốc tế rất phức tạp. Ông cho rằng chính việc để quân Tàu Tưởng vào giải
giáp phát xít Nhật ở miền Bắc, quân Anh vào tiếp quản miền Nam, chia hai miền
tại vĩ tuyến 16, đã là “một công thức nấu món thảm họa”.
Viên đô đốc
người Anh, Douglas Gracey, đã tỏ ra có quá ít kinh nghiệm chính trị khi tuyên
bố “việc kiểm soát về dân sự và quân sự của người Pháp (đối với Đông Dương)
chỉ là trong vài tuần nữa”, bất chấp việc Hồ Chủ tịch tuyên bố độc lập cho
Việt Nam vào ngày 2/9/1945.
Còn theo sử gia
William Duiker thì mối “duyên nợ” Việt Nam - Hoa Kỳ đã hình thành từ khi viên
sĩ quan OSS Archimedes Al Patti gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tỉnh Tây đầu năm
1945. Tháng 8 năm đó, Patti đến Hà Nội để thu xếp việc trả tự do cho tù binh
Đồng minh đang bị Nhật giam giữ, cũng như cung cấp thông tin tình báo về Đông
Dương.
Duiker thuật lại
về cuộc gặp giữa Hồ Chủ tịch và Archimedes Al Patti vào khoảng trưa ngày
26/8/1945:
“… Ông Hồ bày
tỏ quan ngại về thái độ của Chính phủ Trung Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch)
và Anh, và cho rằng Chính phủ Anh có chung lợi ích với Pháp trong việc duy trì
các thuộc địa châu Á, trong khi người Trung Quốc có lẽ sẽ bán rẻ lợi ích của
người Việt Nam để đánh đổi lấy lợi ích cho riêng họ.
Ông Hồ cũng
cố gắng thăm dò vị khách của mình về cách nhìn của Mỹ về Đông Dương… nói rằng
ông chỉ là “một nhà yêu nước theo chủ nghĩa xã hội tiến bộ”… Nhưng Patti đã kể
lại rằng Patti đã tránh né không hứa hẹn gì, và một mực nói rằng ông ta không
được quyền tham gia vào những cuộc mạn đàm chính trị”. (3)
Những chi tiết
này hé lộ cho chúng ta thấy nhiều điều, có lẽ rất gần với sự thật lịch sử, hoặc
ít nhất cũng có giá trị thông tin hết sức thú vị, về tư tưởng và hành động của
Hồ Chủ tịch – nhà cách mạng lỗi lạc.
Một chính
quyền cách mạng tiến bộ
Cũng William
Duiker đã ghi lại những tư liệu cho thấy tinh thần dân tộc và tính nhân văn của
một chính phủ cách mạng non trẻ trong hoàn cảnh khó khăn chất chồng. “Chính
phủ mới đã thông qua một loạt các biện pháp khẩn cấp để chống nạn đói… Thuế
nông nghiệp được giảm và sau đó miễn hoàn toàn, một sở tín dụng nông nghiệp
được lập ra để giúp nông dân vay vốn dễ dàng hơn...”. (4)
Chính phủ mới
cũng đã ra một sắc lệnh (mà theo Duiker là “đậm màu sắc Khổng giáo”) yêu
cầu tất cả mọi người Việt Nam trong vòng một năm phải biết đọc, biết viết.
Chính nhờ sự quyết tâm của chính quyền, đến mùa thu năm sau, trên 2 triệu người
đã thoát mù chữ.
Chính quyền cách
mạng lâm thời nỗ lực phục hồi kinh tế bằng nhiền biện pháp như giảm thuế, chia
đất nông nghiệp cho dân, tuy “không tiến hành các biện pháp quốc hữu hóa các
ngành công nghiệp và cơ sở thương mại… Chỉ có đất đai của thực dân Pháp và Việt
gian mới bị tịch thu”. (5)
Hồ Chủ tịch cũng
nêu vấn đề chuẩn bị Tổng tuyển cử, thành lập chính phủ hợp pháp dựa trên quyền
tự do dân chủ.
“Cuộc cách
mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có
vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, và
là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế” –
S.Tonesson viết.
Xuất phát từ
những quan điểm và tâm thế chính trị khác nhau, không phải tất cả các sử gia
đều có thể vươn tới sự thật và mang nó tới cho độc giả. Càng không phải tất cả
đều chia sẻ những quan điểm thống nhất về Cách mạng Tháng Tám.
Nhưng các tác
phẩm phản ánh những góc nhìn của họ về một sự kiện trọng đại trong lịch sử cận
hiện đại Việt Nam, ngoài ra, ít nhiều, chúng đều mang lại cho chúng ta một số
lượng không nhỏ những thông tin có giá trị tham khảo.
Theo Vietnamnet
19/8/2015